![]() |
Tuần qua, cải cách thể chế kinh tế lại trở thành vấn đề được quan tâm khi trở thành chủ đề chính của Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc VDPF lựa chọn chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”, bởi nó rất phù hợp với trọng tâm chính sách phát triển của Việt Nam.
Trong khi đó, theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, là một nước thu nhập trung bình, trong vòng 5 năm tới, tại Việt Nam sẽ diễn ra đồng thời một số tiến trình quan trọng. Đó là xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII.
“Đây là cơ hội ít có để chúng ta lên kế hoạch cho một đợt cải cách thể chế mới nhằm nâng cao năng suất, đẩy mạnh tăng trưởng - những điều Việt Nam đang rất cần” - bà Kwakwa nói.
Khuyến nghị của đối tác phát triển quốc tế nhận được sự đồng thuận cao từ phía Việt Nam bởi ngay trong thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cải cách thể chế đã được đề cập như một động lực mới đã phát triển đất nước.
Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Một trong những nguyên nhân là động lực những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển.
“Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân” - thông điệp nhấn mạnh. Và cho đến nay, nội dung quan trọng này đã dần được cụ thể hóa. Ngay từ đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Gần đây Quốc hội cũng thông qua việc sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng như Luật Phá sản (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đầu tư công… Đây là khởi điểm quan trọng trong việc xây dựng các biện pháp đổi mới thể chế thời gian tới.
Quyết tâm đã có, các giải pháp bắt đầu được triển khai nhưng có lẽ vẫn chưa đủ để cải cách thể chế đạt được kết quả mong muốn, bởi vẫn còn không ít rào cản, thách thức trong vấn đề này. Đó là việc luật pháp còn thiếu minh bạch, chưa tiên liệu trước việc gây tác động bất lợi đến môi trường kinh doanh.
Pháp luật về kinh doanh còn phức tạp, làm tăng chi phí và tạo rào cản gia nhập thị trường, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Dù đã được cắt giảm nhưng hiện vẫn còn 398 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định phân tán tại hàng trăm văn bản pháp luật khác nhau, với nhiều cấp điều kiện khác nhau. Pháp luật về đất đai cũng rất phức tạp, khó thực hiện, chưa tạo thuận lợi cho việc hình thành và vận hành tốt thị trường quyền sử dụng đất.
Tại VDPF 2014, vấn đề được các đối tác phát triển nhấn mạnh là tính minh bạch và yêu cầu giải trình trong các chính sách - được xem là chưa có nhiều cải thiện ở Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, là vấn đề thực thi chính sách. Theo đó, chính sách, luật pháp được ban hành đầy đủ, nhưng thực thi không đồng bộ, thực thi không đúng, thậm chí… không thực thi!
Vậy cần phải làm gì để cải cách thể chế được triển khai mạnh mẽ hơn, để trở thành động lực mới cho quá trình phát triển đất nước? Sắp tới chúng ta sẽ bước vào giai đoạn hội nhập mới rất quyết liệt với việc kết thúc đàm phám 6 hiệp định thương mại lớn, đồng thời gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải cách mạnh mẽ thể chế kinh tế, Việt Nam có thể đối diện với nguy cơ tụt hậu trước cơ hội mới và với cả chính mình.
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, muốn cải cách thể chế một cách quyết liệt phải vượt qua được rào cản lợi ích nhóm. Có 2 vấn đề mấu chốt để làm được điều này: Thứ nhất, phải công khai, minh bạch chính sách và tính giải trình.
Thứ hai, đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi chính sách. Thực tế, nếu gắn trách nhiệm cụ thể về thực thi chính sách cải cách thể chế sẽ thu được kết quả rõ ràng ngay. Thí dụ, chuyện cắt giảm thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện nghĩa vụ thuế thời gian qua đã đạt được kết quả bước đầu khá khả quan.
Theo đó, chỉ trong vòng 2 tháng, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cùng vào cuộc, thời gian kê khai nộp thuế của doanh nghiệp đã được cắt giảm gần 300 giờ.