Thông tin trên được đại diện Bộ KH-ĐT đưa ra trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2022 diễn ra sáng 4-7 tại Hà Nội.
Bộ KH-ĐT đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay.
Đối với kịch bản 1, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III-2022 cần đạt mức tăng trưởng là 7,9% (trong khoảng 7,5-8% tại Nghị quyết 01/NQ-CP), quý IV-2022 tăng 5,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm).
Đối với kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,0%, quý III-2022 phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 1 điểm phần trăm) và quý IV-2022 tăng 6,3% (trong khoảng 6,7-6,7% tại Nghị quyết 01/NQ-CP).
Đại diện Bộ KH-ĐT cũng cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước thời gian tới tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường trong cả ngắn hạn và trung hạn, thu ngân sách Nhà nước cả năm dự báo đạt tốt, tạo dư địa tài khóa để có thể chủ động hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân trong trường hợp cần thiết.
Cùng với đó, chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản trị, hoạt động để giảm lãi suất cho vay, giảm bớt áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
Chính sách thương mại, sản xuất cần chủ động phương án điều tiết để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
Trong một diễn biến khác, trong bản tin Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6-2022 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài Nga - Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc…
Tuy nhiên, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 chỉ đạt mức 5,8%.