World Bank - Cuộc đua bắt đầu nóng

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ chọn tân chủ tịch trước ngày 20-4. Cuộc đua vào chiếc ghế này đang ngày càng “nóng” sau khi một nhóm cựu quan chức của WB viết một lá thư bày tỏ sự ủng hộ Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala (ảnh) trở thành vị chủ tịch kế tiếp.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ chọn tân chủ tịch trước ngày 20-4. Cuộc đua vào chiếc ghế này đang ngày càng “nóng” sau khi một nhóm cựu quan chức của WB viết một lá thư bày tỏ sự ủng hộ Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala (ảnh) trở thành vị chủ tịch kế tiếp.

Theo “luật bất thành văn” từ trước đến nay, vị trí đứng đầu WB sẽ thuộc về một người Hoa Kỳ, trong khi người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đến từ châu Âu. Lần này, nếu thông lệ lặp lại, chủ tịch kế tiếp của WB hẳn là bác sĩ Jim Yong Kim theo đề cử của Washington.

Nhưng trong một lá thư công khai hồi tuần trước, 35 cựu kinh tế gia và giám đốc của WB nói định chế này nên chọn người lãnh đạo kế tiếp dựa trên năng lực. Một thư kiến nghị của một nhóm các kinh tế gia khác bày tỏ sự ủng hộ cho ứng viên Colombia, Jose Antonio Ocampo.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 60 năm kể từ khi được thành lập WB phải chọn chủ tịch giữa các ứng viên. Ban giám đốc của định chế này phải chọn lựa giữa 3 người, gồm bà Okonjo-Iweala, một cựu giám đốc điều hành của WB, ông Jose Antonio Ocampo, cựu Bộ trưởng Tài chính của Colombia và Jim Yong Kim, một chuyên gia y tế cộng đồng và là Chủ tịch Trường Dartmouth College ở Hoa Kỳ. WB phải chọn được người kế nhiệm ông Robert Zoellick trước ngày 20-4, khi WB và IMF tiến hành hội nghị mùa xuân.

Cuộc đua giữa 3 nhân vật trên đang thu hút sự chú ý cùng với những bình luận ngày càng nhiều của những người ủng hộ, đã hé lộ cách thức WB chọn người đứng đầu. Hoa Kỳ, nước đóng góp lớn nhất cho WB, luôn được “đặc quyền ngầm” trong việc chọn chủ tịch.

Nước này cùng với châu Âu và Nhật Bản nắm 54% phiếu bầu. Theo một thỏa thuận không chính thức, đổi lại, châu Âu được chọn người đứng đầu IMF, được xem là một định chế “chị em” với WB. Nhưng các nền kinh tế mới nổi ngày càng tỏ ra bất bình với cơ chế này và đang gia tăng sức ép đòi thay đổi.

Các lãnh đạo từ Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi gần đây kêu gọi phân chia lại quyền bỏ phiếu trong hệ thống. Theo Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega, các nước BRICs đang nỗ lực chọn một ứng viên chung. Phát biểu sau cuộc gặp gỡ với người được Hoa Kỳ đề cử Jim Yong Kim, ông Mantega nói Brazil chưa quyết định đề cử ai, nhưng cho rằng bác sĩ Kim là người có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển thế giới.

Lá thư ủng hộ bà Okonjo-Iweala được ký bởi các giám đốc và nhà kinh tế kỳ cựu, trong đó có Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ Mustapha Nabli, cũng phê phán một số điều trong quá trình chọn lựa của WB. Thư viết việc chọn lựa vị trí cao nhất của WB vẫn dựa trên đề cử của các chính phủ, dựa trên quốc tịch mà không hề có quy chuẩn về năng lực của ứng viên.

Vì vậy, những người đứng tên lá thư kêu gọi một quá trình tuyển chọn “cởi mở, minh bạch, dựa trên năng lực, cạnh tranh hơn là chỉ đơn giản là sự chỉ định, có như vậy mới phản ảnh được thế giới thực ngày nay”. Bà Okonjo-Iweala kêu gọi dành cho các ứng viên một cuộc tranh luận trên truyền hình. Những người ủng hộ bà viết: “Chúng tôi tin bà Okonjo-Iweala có năng lực vượt trội trong nhiều vấn đề quan trọng”.

CÁC ỨNG VIÊN WB:

ª Kim Yong Jim (Hoa Kỳ đề cử): 52 tuổi, Chủ tịch trường Dartmouth College; sinh ở Hàn Quốc, quốc tịch Hoa Kỳ; một nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực y tế toàn cầu; cựu giám đốc chương trình HIV/Aids của Tổ chức Y tế thế giới; có bằng bác sĩ và Tiến sĩ nhân loại học.

ª Ngozi Okonjo-Iweala (Nam Phi, Angola và Nigeria đề cử): 57 tuổi, Bộ trưởng Tài chính Nigeria; một cựu giám đốc điều hành WB; có bằng Tiến sĩ kinh tế và phát triển khu vực.

ª Jose Antonio Ocampo (Colombia đề cử): GS. Quan hệ Công chúng và Quốc tế của Đại học Columbia; cựu Bộ trưởng Tài chính Colombia; từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong Liên hiệp quốc, bao gồm Trợ lý Kinh tế và Xã hội cho TTK LHQ; Cử nhân kinh tế-xã hội, Tiến sĩ kinh tế.

Các tin khác