Thực tế nguồn lực này rất quan trọng và khá dồi dào tại các quốc gia mà hệ thống tài chính chưa phát triển, đặc biệt là tài chính vi mô, hay nói cách khác là tập quán và kiến thức để tiếp cận thị trường tài chính và dịch vụ tài chính của người dân còn khá hạn chế. TPHCM là một ví dụ điển hình.
Tiềm lực của các nguồn tài trợ xã hội
Tiềm lực của các nguồn tài trợ xã hội
Hiện nay nhiều thành phố lớn trên thế giới đã được bồi đắp bằng TPCQĐP. Thậm chí chỉ vài thập niên gần đây, hàng loạt các thành phố lớn tại các nước mới nổi đã được kiến thiết bằng nguồn tài trợ này. |
Theo đó, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (TPCQĐP) là một trong các giải pháp hiệu quả mà thành phố có thể cân nhắc để thực hiện.
Thế nhưng, không giống như cổ phiếu hay TP doanh nghiệp (TPDN), TP chính phủ (TPCP), TPCQĐP được phát hành bởi TPHCM hiện nay chưa thực sự mang đầy đủ ý nghĩa của một loại chứng khoán vốn có của nó. Bởi điều quan trọng nhất loại chứng khoán này thiếu hẳn cơ chế giám sát và đánh giá tín nhiệm độc lập của thị trường. Hiện vai trò đánh giá và giám sát hoàn toàn thuộc về Bộ Tài chính, cơ quan đảm bảo khả năng đáp ứng nợ vay của địa phương và cũng là “bàn tay bao dung”, sẵn sàng đưa ra để gánh vác thay cho các địa phương.
Như vậy cơ chế này đã phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm của chính quyền địa phương, cũng như “đá” bảo hiểm rủi ro hoàn toàn cho chính quyền địa phương đối với khoản nợ mà địa phương phát hành ra công chúng.
Và cách làm này, vô tình đã tạo nên một tài sản chứng khoán có tỷ suất sinh lợi không phản ánh rủi ro mà nó đang mang. Và hiển nhiên, sẽ không có một cơ sở nào để định giá TP một cách chính xác. Đây chính là điểm khó khăn để tạo lập một thị trường “thuận mua - vừa bán” đúng nghĩa cho TPCQĐP.
Bởi lẽ TPCQĐP sẽ không thể nào cạnh tranh được với các loại chứng khoán khác, nếu không được bù trừ bằng một phần lợi nhuận phi rủi ro nào đó. Và rốt cuộc phần bù này sẽ là phần lỗ của tổ chức phát hành, trong trường hợp này là túi tiền của chính quyền thành phố. Đó là chưa kể đến việc lỗ vốn nặng khi giá trị là cơ sở hạ tầng đem lại không đủ hoàn vốn, hoặc phải bỏ thêm vì những tiêu cực khiến công trình trở nên kém hiệu quả.
Phải tạo dựng lòng tin
Phải tạo dựng lòng tin
Những cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu cư dân như điện, nước, xử lý rác thải, cầu đường, sân bay, cảng biển… thường đòi hỏi một lượng vốn đầu tư khổng lồ trong nhiều năm. Tại sao không huy động bằng TPCQĐP, bởi thời gian hoàn vốn kéo dài từ 20 - 30 năm với một lợi tức thấp. |
Tuy nhiên, mỗi địa phương có những đặc điểm kinh tế khác nhau, tiềm năng phát triển khác nhau, khả năng điều hành tài chính và sử dụng hiệu quả vốn khác nhau, mức độ tín nhiệm từ đó cũng khác nhau… Đó là cơ sở ban đầu để đo lường rủi ro khi định giá cả chứng khoán. Nhưng muốn làm vậy không thể bỏ qua vai trò của các tổ chức đánh giá tín nhiệm độc lập.
Giống như cách mà các loại TPDN hiện nay đang được giám sát, các DN phát hành được đánh giá, xem xét kỹ lưỡng và giá cả được xác lập tương ứng. Với cách làm như vậy, chính quyền địa phương muốn tổ chức phát hành để vay tiền trong công chúng, buộc phải đứng ở cương vị người chào hàng và phải cho thị trường thấy mức độ ưu việt của hàng hóa mà mình đang bán.
Khi đó, các báo cáo độc lập của các tổ chức đánh giá tín nhiệm của TP và triển vọng hiệu quả của dự án sẽ phải là căn cứ ưu tiên hàng đầu, có mức độ tin cậy cao, làm cơ sở cho quyết định mua của dân chúng. Quy mô phát hành và giá cả chứng khoán khi đó tự động sẽ được thị trường quyết định.
TPHCM chỉ có thể vay được nợ khi chứng minh được TP có khả năng sử dụng có hiệu quả số nợ đó cũng như khả năng hoàn trả, thu được lợi. Khi đó, rất nhiều câu chuyện khác có thể sẽ được giải quyết theo hiệu ứng dây chuyền: tình trạng tài chính của địa phương được công khai minh bạch, công tác quản lý tài chính của địa phương phải hoạt động một cách chính xác và hiệu quả, cơ cấu vốn của dự án hạ tầng phải tối ưu để thuyết phục được niềm tin của dân chúng (giờ đây đóng vai trò là nhà tài trợ và chủ nợ).
Tất nhiên khâu xây dựng và sử dụng sẽ phải được đảm bảo chặt chẽ nhằm đảm bảo khả năng hoàn vốn của công trình. Và quan trọng nhất, địa phương phát hành để mất khả năng thanh toán hay vỡ nợ sẽ đi kèm với các chế tài nghiêm khắc.
Phát triển thị trường thứ cấp
Phát triển thị trường thứ cấp
Vì nguồn lực cần huy động là vốn nhàn rỗi của dân cư, nên kênh huy động và phương thức giao dịch phải thích hợp, thuận lợi để các hộ gia đình và dân chúng dễ dàng tham gia. Trong cấu trúc hệ thống tài chính của Việt Nam hiện nay, ngân hàng thương mại (NHTM) và các công ty chứng khoán (CTCK) có mạng lưới giao dịch phân bổ khắp các tỉnh thành, có hệ thống kết nối và xử lý dữ liệu qua mạng.
Nếu các giao dịch TPCQĐP có thể thực hiện qua các trung gian này mức độ thành công có thể cao hơn. Để có thể thu hút các tổ chức tài chính trung gian này tham gia vào huy động vốn cho chính quyền địa phương, Bộ Tài chính nên có những quy định riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức này tham gia trên thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Thứ nhất, quy định trần lãi suất luôn là hạn chế được đưa ra khi khảo sát các chủ thể tham gia đấu thầu TP. Bởi nếu áp dụng mức trần lãi suất nhưng vẫn chưa đảm bảo mức lãi suất thực dương thì khó lòng thuyết phục người dân và các tổ chức tài chính tham gia mua TP.
Thứ hai, hướng đến đối tượng dân cư có tiền nhàn rỗi, đây là các khoản tiền để dành cho gia đình sử dụng trong tương lai. Vì vậy, tính thanh khoản của TP là điều rất quan trọng. Nếu các giao dịch chuyển trạng thái TP sang tiền mặt dễ dàng thì khả năng tham gia của người dân càng cao. Để tạo thanh khoản cho TPCQĐP, cần quan tâm đến các quy chế hướng dẫn cụ thể nghiệp vụ tạo lập thị trường và yêu cầu các CTCK, NHTM tham gia. Mục đích là đa dạng hóa được các nhà tạo lập thị trường, như vậy sẽ tạo được tính thanh khoản rất cao cho TPCQĐP.
Thứ ba, lưu ký và niêm yết TPCQĐP tại sở giao dịch chứng khoán. TP cũng là chứng khoán. Vì vậy nếu TP dễ dàng giao dịch như chứng khoán vốn thì sự hấp dẫn của công cụ tài chính này cũng tăng lên, đặc biệt là đối với công chúng, nhà đầu tư cá nhân, họ có thể dễ dàng giao dịch TPCQĐP như hiện nay đối với cổ phiếu. Có nhiều nhà đầu tư cá nhân quan tâm sẽ có nhiều CTCK tham gia bảo lãnh phát hành, và TPHCM có thêm nguồn vốn phát triển cơ sở nhà tầng.