Việc sớm có được vaccine AstraZeneca đã đưa Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có được vaccine ngừa Covid-19 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt, mở ra cơ hội rất lớn cho chúng ta có thể sớm chiến thắng được đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, số lượng vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca được nhập về Việt Nam thông qua Công ty VNVC và vaccine từ nguồn hỗ trợ của COVAX Facility thuộc WHO còn khá hạn chế nên Bộ Y tế và các đơn vị chức năng đã nhanh chóng tìm kiếm thêm các nguồn cung ứng vaccine ngừa Covid-19. Tới thời điểm này, có thể vui mừng khẳng định Việt Nam sẽ có được ít nhất 4 nguồn cung ứng vaccine từ một số hãng trên thế giới và trong năm nay, chúng ta sẽ có 90 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.
Để có được số lượng vaccine này thực sự là nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế và cơ quan chức năng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự đồng lòng ủng hộ của không ít doanh nghiệp. Trong cuộc họp với Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Chúng ta huy động tất cả nguồn lực trong xã hội và đẩy nhanh tiến độ cung ứng vaccine để có thể có khoảng 90 triệu liều. Điều này giúp bảo đảm ngân sách Nhà nước, tăng độ bao phủ tiêm vaccine theo hình thức xã hội hóa. Nếu tính theo lộ trình như vậy, năm 2021 chúng tôi xin đảm bảo không thiếu vaccine”.
Trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch Covid-19, vaccine thực sự là “vũ khí” rất hữu hiệu và có giá trị lâu dài. Vì thế, trước việc Việt Nam sớm nhận được nguồn cung vaccine Covid-19 từ thế giới, Thủ tướng đã có chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh, trình Thủ tướng xem xét, ban hành nghị quyết của Chính phủ về việc mua, sử dụng vaccine Covid-19.
Bộ Y tế cũng được giao chịu trách nhiệm về việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận, phân phối vaccine bảo đảm kịp thời, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng tổ chức tiêm vaccine, trước hết cho các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết của Chính phủ.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, kinh tế - xã hội của đất được nên khi có được vaccine phòng ngừa dịch bệnh này, nhân dân rất quan tâm và ai cũng mong muốn được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên nguồn cung còn hạn chế, tiềm lực ngân sách Nhà nước cũng không phải dư dả nên để có thể bao phủ vaccine rộng nhất tới dân số, rất cần phải thực hiện theo phương thức xã hội với sự chung tay của các doanh nghiệp và cộng đồng.
Có như vậy gánh nặng về ngân sách, kinh tế của đất nước cũng sẽ giảm bớt, khi đó số lượng người dân được thụ hưởng vaccine cũng tăng lên. Bởi để có thể đầy lùi dịch bệnh và tạo miễn dịch trong cộng đồng, bất cứ quốc gia nào cũng cần đảm bảo từ 70%-80% dân số được tiêm vaccine.
Tới thời điểm này đã có không ít địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai và một số doanh nghiệp lớn đã có kế hoạch mua vaccine ngừa Covid-19 tiêm cho người dân, nhằm giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân. Chắc chắn càng có nhiều vaccine ngừa Covid-19 cũng đồng nghĩa với việc càng nhiều người dân được tiêm ngừa và dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát, đất nước sẽ ổn định và phát triển.
Để đạt được mục tiêu rất tốt đẹp và nhân văn này, không có cách nào khác là cùng với việc mọi người dân phải chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 thì chúng ta cần đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn việc xã hội hóa vaccine theo hướng công khai, minh bạch và bình đẳng. Với truyền thống đoàn kết, đùm bọc, chia sẻ của dân tộc, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng mọi người dân Việt Nam sẽ sớm được tiêm vaccine ngừa dịch Covid-19 an toàn, hiệu quả.