Xa lộ Hà Nội thi công chậm chạp

Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vốn, không tìm được nhà đầu tư là nguyên nhân chính khiến dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (XLHN); xây cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông Bình Thái, ngã tư Thủ Đức, cổng Đại học Quốc gia TPHCM chậm tiến độ.

Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vốn, không tìm được nhà đầu tư là nguyên nhân chính khiến dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (XLHN); xây cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông Bình Thái, ngã tư Thủ Đức, cổng Đại học Quốc gia TPHCM chậm tiến độ.

“Đói” mặt bằng thi công

Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Giám đốc Đầu tư Kinh doanh của CII, chủ đầu tư dự án mở rộng XLHN, cho biết công trình được khởi công từ tháng 4-2010, nhưng do ban bồi thường giải phóng mặt bằng các quận 2, 9 và Thủ Đức chậm bàn giao mặt bằng sạch nên phải thi công cầm chừng từng đoạn.

“Dự án có chiều dài 15,7km, bắt đầu từ cầu Sài Gòn đến nút giao Tân Vạn với tổng mức đầu tư 2.516 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2013. Đến thời điểm này, CII đã thi công hoàn chỉnh khoảng 7km từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức, đoạn còn lại chưa thể thi công do công tác thu hồi mặt bằng còn quá nhiều khó khăn” - bà Trâm nói.

Theo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức, có 256 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án mở rộng XLHN. Đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Thủ Đức có 88 hồ sơ, hiện đã bồi thường 86 hồ sơ với 26,8 tỷ đồng. 2 hồ sơ còn lại (1 hộ dân và 1 công ty) chưa thu hồi mặt bằng được do chờ TP giải quyết khiếu nại và thẩm định bổ sung. Riêng đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến Trạm 2 có tổng cộng 168 hồ sơ.

Ban bồi thường đã chi trả 105 hồ sơ với số tiền 163 tỷ đồng. Khoảng 60 trường hợp còn lại đang xin ý kiến hội đồng thẩm định bồi thường TP về chính sách bồi thường, vì nguồn gốc đất khá phức tạp.

Một trong những khó khăn khiến công tác thu hồi mặt bằng bế tắc là những trường hợp trước đây bị ảnh hưởng trong dự án đường song hành XLHN (31,5m) nay tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dự án mở rộng XLHN (63,5m), nên mất nhiều thời gian cho việc xin ý kiến TP xác định hạn mức đất ở để bồi thường.

Bên cạnh đó, các hộ dân đều chịu ảnh hưởng cùng một dự án nhưng do phương án lập trước hoặc sau, gần hay xa trung tâm TP khiến đơn giá bồi thường giữa các quận 2, 9 và Thủ Đức chênh lệch, dẫn đến khiếu nại, so bì và bất hợp tác của người dân.

Trước yêu cầu bức bách giải quyết ùn tắc giao thông cho cửa ngõ phía Đông TP và tạo điều kiện thuận lợi cho CII đẩy nhanh tiến độ thi công, quận Thủ Đức “hứa” sẽ sớm hoàn tất bàn giao mặt bằng vào tháng 4-2012 và quận 9 vào tháng 6-2012.

Rối với dự án “điểm đen”

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết bên cạnh dự án mở rộng XLHN, trên toàn tuyến còn 7 nút giao thông chưa hoàn chỉnh. Trong khi vài dự án thi công dang dở, nhiều nút giao thông nằm trên tuyến XLHN thường xảy ra ùn tắc như ngã tư Thủ Đức, Bình Thái, trước cổng Đại học Quốc gia… vẫn chưa tìm được nhà đầu tư do tính phức tạp công trình, vốn đầu tư lớn. Xét về tính cấp bách và quan trọng hơn cả là dự án tại ngã tư Thủ Đức. Đây là điểm giao giữa XLHN với đường Võ Văn Ngân - Lê Văn Việt.

Thi công ì ạch khiến ùn tắc trên XLHN ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: L.Anh

Thi công ì ạch khiến ùn tắc trên XLHN ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: L.Anh

Vào giờ cao điểm, lượng phương tiện gồm xe khách, container lưu thông trên XLHN và xe gắn máy tại các trường đại học, cơ quan, xí nghiệp dồn nén tại đây gây ùn tắc hàng giờ.

Dù Sở GTVT đã đưa công trình này vào danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư nhiều năm nay nhưng các nhà đầu tư đến khảo sát đều lắc đầu vì tiền bồi thường mặt bằng quá lớn. Theo ông Vũ Văn Điệp, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 (Sở GTVT), tổng mức đầu tư của dự án (cầu vượt, hầm chui) này là 1.500 tỷ đồng, trong đó tiền bồi thường chiếm hơn 400 tỷ đồng.

Làm việc với Ban kinh tế Ngân sách Hội đồng nhân dân TP, ông Điệp đề xuất phương án phân kỳ đầu tư. Theo đó, sử dụng  700 tỷ đồng ngân sách TP để làm hầm chui theo hướng từ TPHCM đi Biên Hòa trước, còn cầu vượt theo hướng đường Lê Văn Việt - Võ Văn Ngân sẽ làm sau. Nếu chỉ làm hầm chui, khả năng trong vòng 18 tháng thi công sẽ xóa ùn tắc tại nút giao ngã tư Thủ Đức.

Trong khi đó, dự án xây dựng nút giao thông hoàn chỉnh tại cổng chính Đại học Quốc gia TPHCM cũng đang thi công ì ạch, gây bức xúc cho người dân. Đây là dự án còn vướng mặt bằng thuộc địa bàn các quận 9, Thủ Đức và thị xã Dĩ An (Bình Dương).

Cụ thể, tại quận 9 chỉ mới có 31/65 hộ nhận tiền bàn giao mặt bằng; quận Thủ Đức mới kiểm kê khoảng 70/200 trường hợp; phía thị xã Dĩ An đang trình phương án bồi thường, áp giá cho 283 trường hợp. Dự án này có tổng vốn đầu tư được duyệt năm 2008 là 253 tỷ đồng, trong đó 158 tỷ đồng xây lắp.

Tuy nhiên, do “sa lầy” nên mới đây chủ đầu tư đã xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 465 tỷ đồng. Khu quản lý đô thị số 2 cho biết nếu tháng 6-2012 các địa phương trên bàn giao mặt bằng thì đến tháng 3-2014 nút giao sẽ hoàn thành, giải quyết được điểm nghẽn trước Nghĩa trang Liệt sĩ TP.

Các tin khác