Từ vùng đất thuần nông thành thị tứ lộn xộn
Xem lại lịch sử quy hoạch TPHCM, chúng ta sẽ thấy đề án quy hoạch TP qua 5 lần điều chỉnh, lần quy hoạch được coi là hoàn chỉnh nhất, phủ kín được tổng thể 24 quận huyện vào năm 1998, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 123.
Từ quy hoạch này, cho đến nay Bình Chánh luôn được coi là hướng phát triển phụ trong định hướng chiến lược của TPHCM. Nó cùng với các huyện khác được quy hoạch là vùng nông thôn truyền thống, được ứng xử và quản lý như các vùng nông thôn khác trong cả nước.
Thực tế, Viện Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Bộ Xây dựng và các sở chức năng của TPHCM tiến hành xây dựng quy hoạch 1:2.000 và 1:500 cho các quận nội thành theo các tiêu chuẩn của đô thị đặc biệt. Còn việc quy hoạch của các huyện dường như bỏ trống, để tự vận hành theo quy chuẩn xây dựng nông thôn truyền thống, sau này xây dựng theo bộ tiêu chí nông thôn mới với 19 nội dung.
Điều đáng nói, với các huyện ngoại thành, việc tồn tại tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) theo kiểu truyền thống hoàn toàn không còn phù hợp. Thí dụ, đất của Bình Chánh rất rộng lớn với 253km2, trước năm 1995 còn nhiều xã thuần nông chuyên trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi như Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, nhưng năng suất rất thấp vì đất ở đây có độ phèn cao (đất chua mặn), muốn canh tác được phải đầu tư rất lớn.
Từ sau năm 1995, tiến trình đô thị hóa được đẩy nhanh, quy mô lớn nên hệ thống kênh mương bị lấp rất nhiều, không có nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp.
Đất bị bỏ trống nhiều, người dân tại chỗ không ham làm nông nghiệp, thích làm dịch vụ, công nhân hơn, bởi nhàn hơn và có tiền tươi ngay. Trong cuộc nghiên cứu “Đánh giá tiến trình phát triển sau 25 năm của vùng phía Nam TPHCM” mà tác giả làm chủ nhiệm, cho thấy hơn 87% dân cư khu vực này không muốn làm nông nghiệp theo kiểu cũ, mà muốn chuyển đổi sang các loại hình mưu sinh khác.
Là vùng đất nông nghiệp nhưng không canh tác nên không có nguồn thu nhập, bà con nông dân đã cắt từng khoảnh đất nông nghiệp ra để bán. Từ năm 1990 đến nay, đất ở Bình Chánh có giá tương đối thấp hơn so với các quận nội thành, ngay cả so với các huyện Hóc Môn, Củ Chi. Trong khi Bình Chánh lại không xa trung tâm TP, nên dân nhập cư đổ về mua đất khiến nhập cư cơ học tăng rất cao.
Chẳng hạn, xã Vĩnh Lộc A, năm 2010 chỉ có 10.000 dân, đến 2019 đã tăng lên 125.000 dân. Do nhiều lý do khác nhau, như chính quyền ở đây có phần dễ chịu, các đầu nậu xây cất rất nhanh, chỉ 1 đêm xong căn nhà cấp 4, nên Bình Chánh từ vùng đất thuần nông trở thành vùng bán nông bán thị và bây giờ gần như là vùng thị tứ.
Qua nhiều năm phát triển, có thể nói Bình Chánh là huyện có hình thái đô thị xấu nhất, lộn xộn nhất TPHCM. Là huyện nông nghiệp nhưng không có quy hoạch chi tiết theo đô thị, người dân ở đây xây dựng theo ý mình, nhà mặt phố chen chúc nhau, thò ra thụt vào, đường phố không theo tiêu chuẩn đô thị vừa nhỏ hẹp, vừa ngoằn ngoèo, thiếu công viên cây xanh, thiếu dịch vụ xã hội.
Khi nhận ra điều này Bình Chánh đã không còn nhiều đất nông nghiệp nữa. Để ngăn chặn tình trạng xây nhà trái phép ở Bình Chánh, thời gian qua các ngành chức năng TP đã tăng cường thanh tra, xử phạt, tăng mức chế tài, tăng cường và luân chuyển cán bộ thanh tra, kỷ luật các cán bộ tiếp tay cho các đầu nậu và xử lý các đầu nậu dụ dỗ lôi kéo người dân…
Nông thôn hiện đại trong đô thị hiện đại
Nông thôn hiện đại trong đô thị hiện đại
Không TP nào trên thế giới bỏ vành đai xanh, vành đai nông nghiệp ngoại thành. Nó giống như lớp da, mỡ bảo vệ cơ thể đô thị. |
Khi trả lời dứt khoát xong điều này, phải tiến hành quy hoạch không gian trên cơ sở của quy hoạch kinh tế - xã hội bài bản, căn cơ theo tiêu chuẩn đô thị đặc biệt. Sau khi dành đất cho giao thông, không gian công cộng, không gian dịch vụ công ích, phần đất còn lại để dân tự do kinh doanh, xây cất theo quy hoạch. Như thế bộ mặt đô thị các huyện chuyển đổi sẽ ngăn nắp hơn và người dân được đảm bảo quyền lợi. Việc cưỡng chế phá bỏ hàng ngàn căn nhà vừa lãng phí vừa gây tổn hại cho người dân đa phần là nhập cư nghèo.
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, không có TP nào bỏ vành đai xanh, vành đai nông nghiệp ngoại thành. Nó giống như lớp da, mỡ bảo vệ cơ thể đô thị, do vậy được gọi là phần mềm của TP. Các vành đai tam nông của Kuala Lumpur, Metro Manila, Seoul, Dubai được phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp với du lịch sinh thái và văn hóa bản địa truyền thống.
Người nông dân được gọi là công nhân nông nghiệp, làm việc trong các trang trại hiện đại chuyên trồng rau trái, hoa, thảo dược (không trồng lúa và chăn nuôi). Làng xóm tràn ngập màu xanh, hoa trái và các làng nghề truyền thống như gốm, đúc đồng, đan lát, bánh tráng vẫn hoạt động, kiểu nhà truyền thống phục vụ khách du lịch home stay thu hút được khách quốc tế và người dân nội thành kéo nhau ra nghỉ cuối tuần.
Đặc biệt, phần đất dành cho nông nghiệp bằng mọi giá phải giữ, không để đầu nậu hay nhà đầu tư nhỏ lẻ đến mua rẻ. Còn làm thế nào để mảnh đất nông nghiệp đó sinh lời, chính quyền phải hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, thị trường. Khi người nông dân bỏ hoang ruộng, đất canh tác không hiệu quả, chỉ nhăm nhăm cắt đất bán chui, đó không hẳn là lỗi của họ mà còn lỗi của chính quyền không có quy hoạch dài hơi, tạo điều kiện để dân sống tốt trên mảnh đất của mình.
Đừng vội bỏ hết tam nông, rồi sẽ phải hối. Seoul của Hàn Quốc từ năm 2000 đang tái cấu trúc “nông thôn hiện đại trong đô thị hiện đại”.