Xác thực người sử dụng mạng xã hội để 'sạch' không gian mạng

(ĐTTCO) - Bộ TT-TT đang lấy ý kiến người dân về dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Người dùng mạng xã hội cần xác thực bằng số điện thoại để định danh
Người dùng mạng xã hội cần xác thực bằng số điện thoại để định danh

Dự kiến, dự thảo nghị định sẽ hoàn thiện để trình Chính phủ trong quý 3-2023. Trong đó, dự thảo bổ sung quy định chỉ tài khoản mạng xã hội đã định danh mới được viết bài, bình luận, livestream…đang được dư luận rất quan tâm. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của chuyên gia, lãnh đạo, người dân xung quanh vấn đề này.

Ông NGUYỄN TRẦN BÌNH, Chủ tịch UBND quận 11, TPHCM:

Giúp người dân phòng tránh các hiểm họa lừa đảo

Việc tài khoản sử dụng trên mạng xã hội phải được xác thực qua tên thật, số điện thoại chính chủ mới được viết bài, bình luận và livestream trên mạng xã hội là việc làm cần thiết. Việc xác thực giúp người dân giảm được các mối hiểm họa lừa đảo công nghệ cao; các nội dung xấu độc, sai trái gây ảnh hưởng xấu đến xã hội trong thời gian qua như livestream bán hàng lừa đảo; tung tin giả, tin xấu độc, thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm tổ chức, cá nhân; tuyên truyền mê tín dị đoan; các nội dung vi phạm bản quyền… gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp và quyền lợi của người dùng mạng xã hội; lừa đảo bằng cuộc gọi video deepfake...

Đặc biệt là livestream môi giới bán dâm công khai trên nền tảng Facebook, TikTok; và mới nhất hiện nay là lừa đảo trên Telegram (lừa đảo đầu tư để chiếm đoạt tài sản người dùng tham gia đầu tư với nhiều thủ đoạn tinh vi)

Việc quản lý tài khoản số góp phần loại bỏ nội dung xấu, sai trái, vi phạm, gây hại cho xã hội trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của họ khi tham gia không gian mạng. Tuy nhiên, việc triển khai có thể gặp một số vấn đề như: người dùng có thể sử dụng các phần mềm fake ip để đăng ký tài khoản mạng xã hội cần xác thực.

Thông qua công cụ này, người dùng có thể dễ dàng đăng ký tài khoản ở quốc gia khác để sử dụng tại Việt Nam. Những nền tảng mạng xã hội có thể đăng ký thông qua tài khoản của 1 dịch vụ khác. Như đăng ký tài khoản facebook có thể được lập thông qua email của Google. Và 1 người có thể tạo được nhiều email google khác nhau.

Ngoài ra, việc mua và sử dụng sim điện thoại không chính chủ vẫn tồn tại. Do đó, nếu thiếu sự liên kết chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất của các bên thì việc định danh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông VŨ NGỌC SƠN, Giám đốc Công nghệ Công ty Công nghệ An ninh mạng Việt Nam (NCS):

Cần lưu ý quá trình định danh trên mạng xã hội

Thực tế cho thấy, ẩn danh để trao đổi, tương tác với người khác đã có từ trước khi mạng internet phát triển. Có những tính năng, loại hình dịch vụ được thiết kế để phục vụ nhu cầu này nên xóa bỏ ẩn danh rất khó, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, bao gồm từ cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch vụ và người dùng. Tuy nhiên trong đời sống số, định danh rõ ràng mang nhiều giá trị và giá trị lớn nhất là sự minh bạch, thuận tiện trong giao tiếp, hướng đến sự phát triển của xã hội số.

Điều này được thể hiện khá rõ khi gần đây các cơ quan nhà nước với nhiều nỗ lực để xây dựng môi trường số, công dân số. Với định danh trên mạng xã hội, cần lưu ý quy trình thực hiện việc này, có thể vấp phải khó khăn khi đòi hỏi phải cung cấp những thông tin cá nhân nhạy cảm như số căn cước công dân (CCCD - là dữ liệu ngày tháng năm sinh, quê quán, địa chỉ cư trú... xuất hiện trên thẻ CCCD khi chụp hình)... nên việc quản lý dữ liệu này cũng cần hết sức chú ý để bảo vệ quyền riêng tư của công dân.

Luật gia TRỊNH PHI LONG, Hội Cựu chiến binh TPHCM:

Nhất thiết phải khai báo

Khoản 16, Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định khá rõ vai trò của thông tin cá nhân. Dự thảo nghị định thay thế nghị định này còn quy định chặt chẽ hơn về định danh tài khoản mạng xã hội.

Theo đó, thông tin cá nhân là thông tin gắn liền với việc xác định danh tính, nhân thân của cá nhân bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, số CCCD, số ĐTDĐ, địa chỉ thư điện tử và thông tin khác theo quy định của pháp luật. Theo tôi, đây là quy định rất chặt chẽ, thực tế. Người sử dụng internet nhất thiết phải khai báo! Bởi lẽ, trong thời gian qua, có quá nhiều thông tin thất thiệt, không đúng sự thật; thông tin chưa được kiểm chứng, gây phương hại cho người dân, tổ chức Đảng, Nhà nước…

Khi xảy ra vụ việc thì cơ quan nghiệp vụ phải xác minh, soát xét rất tốn thời gian, công sức để giải quyết, xử lý. Thiết nghỉ, mình tạo thông tin, sự kiện thì phải chịu trách nhiệm với chính thông tin, sự kiện đó. Mạng xã hội đang chiếm ưu thế với “thế giới phẳng”. Ai xem qua cũng có thể trình bày chính kiến của mình. Ai cũng kịp thời có thể có ý kiến, bình luận, phản biện hay đồng tình. Do vậy, tôi rất đồng tình và ủng hộ với chủ trương người sử dụng mạng xã hội phải chính danh.

Các tin khác