Ngày càng đi sâu vào đất liền
TPHCM không chỉ chịu rủi ro do ngập úng, nước biển dâng, hạn hán mà còn đang phải chịu tình trạng xâm nhập mặn ngày một đi sâu vào nội đồng.
Theo nghiên cứu mới nhất của Phân viện Khí tượng thủy văn & Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT, trong giai đoạn 2006-2015, độ mặn cao nhất, trung bình và thấp nhất dao động từ 4,5%-16,6%; 2,49%-13,1%; 0,4%-10,8% biên độ mặn vào mùa khô khá cao, dao động từ 9,3%-14,7%.
Dưới ảnh hưởng của các yếu tố BĐKH như nhiệt độ, nắng nóng, lượng mưa và nước biển dâng khiến chế độ thủy lực trong sông và khả năng lan truyền mặn vào sâu hơn trong nội đồng, gây nên những sự thay đổi so với hiện trạng.
Sự thay đổi mặn và mức độ lan truyền mặn có xu hướng tăng dần trong tương lai về phía thượng nguồn hồ Dầu Tiếng sông Sài Gòn và hồ Trị An sông Đồng Nai. Trong trường hợp không có công trình ngăn mặn, trong tương lai, mặn có xu hướng tiến sâu lên thượng lưu, thu hẹp mức độ an toàn của nguồn nước ngọt, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Trong trường hợp hoàn thành và vận hành 6 cống ngăn triều, khả năng xâm nhập mặn trên các sông nhỏ sẽ giảm đáng kể.
Một nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa TPHCM cũng cho thấy, TPHCM chỉ có một phần nhỏ giáp biển ở phía Đông Nam, nhưng do có hệ thống sông chính chảy qua nên các quận, huyện khu vực này chịu ảnh hưởng khá mạnh của quá trình xâm nhập mặn.
Theo kịch bản BĐKH của Bộ TN-MT, tới năm 2100, mực nước biển tại Vũng Tàu có thể dâng thêm 100cm so với thời kỳ 1990 - 2000. Kèm theo nước biển dâng, sự gia tăng biên độ triều tại Vũng Tàu phụ thuộc vào mức độ gia tăng mực nước biển trung bình. Những sự thay đổi đó sẽ có ảnh hưởng nhất định tới chế độ thủy lực và xâm nhập mặn trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai.
Trong tương lai, khi độ mặn dâng cao, nguồn cung cấp nước ngọt cho các hoạt động sản xuất khu vực Nhà Bè, Cần Giờ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, vấn đề cung cấp nước sinh hoạt cho TPHCM cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Biên mặn ngày càng lấn sâu vào nội đồng, theo các kịch bản nước biển dâng, gần như chiếm toàn bộ diện tích của huyện Cần Giờ. Biên mặn lớn hơn 5g/l, các ranh giới mặn 10-15g/l cũng tiến rất sâu. Mặc dù trạm Hóa An với vai trò là nguồn cung cấp nước chính vẫn chưa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, nhưng trong tương lai TPHCM sẽ đối mặt với vấn đề nguồn cung cấp nước.
Định vị các giải pháp trọng tâm
Theo nhìn nhận của PGS-TS Mai Tuấn Anh, Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu TPHCM, những rủi ro thiên tai, nặng nề mà con người đang phải gánh chịu có nguyên nhân từ tác động của BĐKH. Cùng với bối cảnh tác động chung của BĐKH trên thế giới, thiên tai, dịch bệnh, xâm nhập mặn, bão lũ... đang là những tác động mạnh mẽ và trở thành thách thức lớn, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống xã hội của người dân Việt Nam.
Không nằm ngoài diễn biến chung, TPHCM đã nhận thức và thực hiện nhiều giải pháp, xây dựng kế hoạch hành động nhằm ứng phó với BĐKH. Theo Th.S Phạm Hữu Tâm, Phân viện Khí tượng thủy văn & Biến đổi khí hậu, để thích ứng với BĐKH, đơn vị đã tư vấn cho TPHCM đưa ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cơ bản như áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa. Thành phố đã phát triển trồng rừng 50ha trên đất ngập nước, bãi bồi ven sông, rạch tại các tiểu khu trong rừng phòng hộ Cần Giờ, kết hợp thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ 2 năm/lần trên địa bàn.
Ở góc độ khác, thành phố triển khai nhiều giải pháp công trình như thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các metro, tuyến buýt BRT, các cống ngăn triều. Không chỉ vậy, thành phố cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu mô hình tận dụng năng lượng mặt trời phát điện cho khu vực nông thôn, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước nhằm đảm bảo tránh ngập úng do lượng mưa và triều cường trong điều kiện BĐKH và nghiên cứu quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, giống cây trồng, nuôi trồng thủy sản, hải sản thích ứng với BĐKH.
Góp ý cho kế hoạnh hành động thích ứng với BĐKH của TPHCM, PGS.TS Nguyễn Kim Lợi, Trường Đại học Nông lâm TPHCM, cho rằng thành phố nên tập trung nhiệm vụ giải quyết các vấn đề nhức nhối nhất như ngập lụt, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Các nhiệm vụ không nên dàn rải mà cần phải cụ thể, có trọng tâm. Các nghiên cứu cần sâu sát với các khu vực dễ bị tổn thương bởi BĐKH để từ đó có những con số chính xác rồi mới đưa ra giải pháp cụ thể.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, bên cạnh các giải pháp về công trình, thành phố cũng tăng cường hơn nữa các giải pháp hạn chế tác động của con người làm BĐKH. “BĐKH hiện nay phần lớn do tác động của con người từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt làm phát thải khí nhà kính. Chúng ta cần tăng khả năng ứng phó, chống chịu với thiên tai qua các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện các giải pháp nâng cao đời sống, cơ sở hạ tầng cho người dân, chuyển đổi cơ cấu việc làm cho người dân ít phụ thuộc vào thiên nhiên”, Th.S Phạm Ngọc Sáng, Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật TPHCM nhấn mạnh.