Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất-kinh doanh còn rất khó khăn thì việc biến động của giá nhiên liệu đầu vào đã gây áp lực không nhỏ lên doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Khó chồng khó
Ở chu kỳ điều chỉnh gần nhất, giá xăng đã tăng chóng mặt (xăng RON95-III vượt 24.300 đồng mỗi lít) dẫn đến sự biến động trên thị trường khi nhiều loại thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn. Nhiều bà nội trợ cảm thấy lo lắng khi phải cân đo đong đếm với bữa ăn trong gia đình.
Bà Phạm Quỳnh Nga, một cán bộ về hưu ở phường Phúc Xá cho hay trung bình mỗi tháng gần đây, chi phí mỗi khi đi chợ, túi tiền của bà cũng bị hao hụt thêm do giá cả “tát nước” theo mưa.
“Loại thực phẩm gì cũng tăng. Khi tôi trả giá với người bán thì nhận được câu trả lời giá xăng tăng kéo theo chi phí vận chuyển cao hơn thường ngày nên phải tính gộp vào giá bán. Chưa kể, giá gas tháng 11 lại nối tiếp đà tăng của giá xăng, do vậy phải cân đo đong đếm rất nhiều,” bà Nga bày tỏ.
Theo thông báo của các doanh nghiệp, từ ngày 1/11, giá gas trong nước tăng tới 16.600 đồng/bình, khiến giá gas bán lẻ tới tay người tiêu dùng tăng lên gần 500 nghìn đồng/bình loại 12kg.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) băn khoăn khi chi phí xăng dầu “nhảy múa” sẽ tác động ở cả mặt trực tiếp lẫn gián tiếp.
“Trực tiếp tức là ai cũng phải lưu thông, cũng phải có ôtô hoặc xe máy và phải di chuyển, như vậy khi chi phí cho xăng dầu nhiều tức là giảm chi tiêu của bản thân người dân cho những việc khác, nhưng gián tiếp ở đây, tức là điều này làm tăng giá của hàng hóa,” ông Tuấn phân tích.
Không chỉ người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng lo lắng khi nhiều loại chi phí đầu vào, nhất là nhiên liệu xăng dầu ngày càng đắt đỏ.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát sở hữu hãng xe Sao Việt (chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai), chia sẻ sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, ngày 27/10, đơn vị bắt đầu chạy 5 chuyến nhưng mỗi xe chỉ được 7-10 hành khách. Trong khi đó, nếu đi Hà Nội-Lào Cai mà không đủ 20 khách/xe/chiều thì càng chạy càng lỗ vốn.
Khách không có, nhà xe không thể tăng giá vé trong khi giá xăng lại tăng khiến doanh nghiệp chịu rất nhiều khó khăn. Thế nhưng xe không thể đắp chiếu vì phải cầm cự và giữ tuyến.
Trong khi đó, chủ nhà xe Thắng Lan (chạy tuyến Thái Nguyên-Hà Nội), cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 toàn bộ số xe của gia đình phải nằm bãi.
“Ngoài việc vẫn phải trả lãi ngân hàng, chi phí bảo trì bảo dưỡng xe... giờ vừa được phép hoạt động trở lại, chưa kịp hồi phục thì giá xăng lại tăng khiến doanh nghiệp vận tải khó chồng khó,” vị này nói.
Kiến nghị xem xét giảm thuế
Nếu tính trong vòng 2 tháng gần đây, xăng dầu trong nước đã có tới 4 lần tăng giá, với tổng mức điều chỉnh của mặt hàng xăng khoảng 3.200 đồng/lít và 3.050 đồng đối với dầu diesel.
Lần gần đây nhất, ngày 26/10, giá xăng RON95-III tăng 1.459 đồng/lít và quỹ bình ổn giá (BOG) đã phải chi 400 đồng cho mặt hàng này; trong khi xăng E5 RON92 mức xả quỹ là 1.100 đồng/lít.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ phải cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu và điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế
“Liên bộ và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022,” chuyên gia này chia sẻ.
Còn theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), do tác động của đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Việc giá xăng, dầu (là giá đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế-xã hội) tăng cao sẽ tác động đến các lĩnh vực khác. Đặc biệt, những lĩnh vực như giao thông vận tải đang bị tác động và ảnh hưởng rất lớn của giá xăng, dầu.
Vì vậy, theo ông Cường, công cụ để kiểm soát giá xăng dầu mà Nhà nước có thể tính đến là thuế, phí,. Cụ thể là giảm thuế nhập khẩu hoặc thuế môi trường ở mức hợp lý.
“Bộ Công Thương phải đánh giá được mức độ thay đổi của giá thế giới với khả năng cung ứng trong nước để dự báo được mức độ ảnh hưởng có thể gia tăng. Bộ Tài chính là đơn vị thực thi các chính sách, có lộ trình thay đổi về thuế, thay đổi, điều chỉnh về phí như thế nào và đây là vấn đề mà Bộ sẽ phải thẩm tra và đánh giá để báo cáo Chính phủ,” đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.
Cùng ý kiến trên, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp, hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu vì hiện giá mặt hàng này tăng rất nhanh, trong khi chúng ta đang còn có dư địa, các công cụ như: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường.
"Cần phải sử dụng các nguồn này để bình ổn khi giá xăng dầu gia tăng," Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.