Xây bệnh viện bằng cái Tâm

*Tài trợ không điều kiện, không hoàn lại

 (ĐTTCO) - Sau gần 1 năm khởi công, công trình xây dựng Bệnh viện An Bình, tọa lạc số 146 đường An Bình, phường 7, quận 5, TPHCM đã vươn lên đến tầng 4. Đây là bệnh viện đầu tiên của cả nước được xây dựng bằng nguồn tài trợ không điều kiện, không hoàn lại với số tiền lên đến trên 450 tỷ đồng, từ một tập đoàn kinh tế tư nhân. 


PGS.TS. BS Bùi Mạnh Côn, Giám đốc Bệnh viện An Bình tin tưởng, với tiến độ thi công như hiện nay, khả năng năm 2020 công trình sẽ hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. 

Từ cơ sở y tế nhân đạo…
Dưới cái nắng nóng như đổ lửa những ngày đầu tháng 4, nhưng nhịp độ thi công xây dựng Bệnh viện An Bình vẫn diễn ra hối hả. Giám đốc Bệnh viện Bùi Mạnh Côn bộc bạch: “Để kịp tiến độ, anh em phải thi công cả ngày lẫn đêm, bất kể ngày nghỉ hay lễ. Mặc dù phải chạy đua nước rút với tiến độ, Ban Giám đốc bệnh viện đã đặt yêu cầu hàng đầu là công trình thực hiện phải đảm bảo an toàn tuyệt đối và đưa vào khai thác đạt hiệu quả cao”. 
  Cái bắt tay thật chặt giữa nhà tài trợ và đơn vị thụ hưởng, không gì đặt cao hơn mục tiêu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất cho người dân. Tất cả đều bắt đầu từ cái tâm  đối với người bệnh, cũng như cái tâm của người doanh nhân muốn chia sẻ với người dân và cống hiến cho xã hội. Chỉ đơn giản vậy thôi!
PGS.TS.BS Bùi Mạnh Côn 
Cùng ông đi dọc hành lang khu khám bệnh cũ song song với dự án đang xây dựng, người đứng đầu Bệnh viện An Bình bày tỏ xót xa khi bệnh nhân đến đây khám, điều trị bệnh trong điều kiện công trình mới đang xây dựng sẽ không tránh khỏi những tiếng ồn và bụi bặm.
“Cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ song song vừa xây dựng công trình mới, vừa phải đảm bảo hoạt động khám chữa trị bệnh tại các khu điều trị cũ không bị gián đoạn là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhưng cũng chẳng còn cách nào hơn”- Giám đốc Bệnh viện Bùi Mạnh Côn trầm ngâm chia sẻ. 
Trong ánh mắt của người thầy thuốc có dáng người gầy gầy, da ngâm đen chợt vụt sáng lên khi ông nghĩ đến một tương lai rất gần, chẳng bao lâu nữa, Bệnh viện đa khoa hạng II An Bình (trực thuộc Sở Y tế TPHCM) hôm nay sẽ trở thành một bệnh viện xanh, hiện đại, thân thiện môi trường cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao nhưng chi phí hợp lý. Lòng ông luôn thầm cảm ơn cơ duyên để mạnh thường quân và phía bệnh viện gặp nhau thực hiện được mục tiêu cao đẹp này.
Xây bệnh viện bằng cái Tâm ảnh 1 Toàn phối cảnh Bệnh viện An Bình giai đoạn 1 và 2. 
 Bệnh viện An Bình khởi thủy là một ngôi chùa của đồng bào người Hoa, xây dựng vào năm 1892. Trước đó, tại ngôi chùa này đã diễn ra những hoạt động y tế nhân đạo khám bệnh và điều trị miễn phí cho người dân dựa trên nền tảng y học cổ truyền, diễn ra suốt một thời gian dài. 
Để đáp ứng nhu cầu về y tế của người dân ngày một tăng lên, ngôi chùa này đã được thay thế bằng một bệnh viện. Theo thời gian, Bệnh viện An Bình lần lượt có những tên gọi: Bệnh viện Triều Châu, Bệnh viện miễn phí An Bình… và tên gọi hiện nay là Bệnh viện đa khoa An Bình. Có giai đoạn Bệnh viện An Bình còn được lãnh đạo TPHCM giao nhiệm vụ thiêng liêng khi thực hiện chăm sóc sức khỏe cho dân lao động nghèo của TPHCM.
Xây bệnh viện bằng cái Tâm ảnh 2 Bệnh viện An Bình chụp từ trên cao trong quá trình xây dựng. 
 Cùng chung tình trạng quá tải như hầu hết các bệnh viện hiện nay trên địa bàn TP, mỗi ngày Bệnh viện An Bình tiếp nhận chăm sóc trung bình 2.000 bệnh nhân ngoại trú và 500 ca nội trú. Tuy nhiên, với quy mô hiện tại vào những lúc cao điểm bệnh viện đã không đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, cũng như điều đáng lo ngại nhất là các cơ sở vật chất của bệnh viện đang dần cũ mục, xuống cấp trầm trọng, bị ngập nước gây khó khăn cho hoạt động khám, chữa bệnh tại đây.
Xây bệnh viện bằng cái Tâm ảnh 3 Cận cảnh công trình Bệnh viện An Bình đang trong quá trình xây dựng. 
Và cái tâm của doanh nhân
Có lẽ vì ấn tượng về lịch sử hình thành lâu đời của một bệnh viện mà tiền thân là cơ sở y tế nhân đạo, và sứ mệnh của nó gắn với việc chăm sóc sức khỏe cho người nghèo TP; cùng với tình trạng quá tải, xuống cấp của Bệnh viện An Bình hiện nay đã chạm đến tấm lòng trắc ẩn của doanh nhân Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group). Người phụ nữ có trái tim nhân ái này đã không ngần ngại khi quyết định tài trợ số tiền hơn 450 tỷ đồng, để đầu tư xây dựng lại Bệnh viện An Bình với hình thức tài trợ không điều kiện, không hoàn lại. 
Xây bệnh viện bằng cái Tâm ảnh 4 PGS.TS. BS Bùi Mạnh Côn (thứ 3 từ phải qua) trực tiếp chỉ đạo xây dựng công trình Bệnh viện An Bình. 
Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng bệnh viện vào tháng 5-2018, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, nguồn tài trợ này vô cùng ý nghĩa và cũng chưa có mạnh thường quân nào thực hiện từ trước đến nay theo hình thức này. Doanh nghiệp cho đi một khoản tiền rất lớn nhưng không yêu cầu lại bất kỳ một quyền lợi nào.
Nghĩa cử này làm sâu sắc hơn tấm lòng của một doanh nghiệp đối với các bệnh nhân, cũng như cùng tham gia giải quyết những nan giải đang đặt ra đối với ngành y tế của cả nước, đặc biệt là khu vực TPHCM.  
Giám đốc Bệnh viện An Bình Bùi Mạnh Côn chia sẻ, tất cả những người làm việc tại Bệnh viện An Bình luôn trân trọng tấm lòng của doanh nghiệp. “Cái bắt tay thật chặt giữa nhà tài trợ và đơn vị thụ hưởng không gì đặt cao hơn mục tiêu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất cho người dân. Tất cả đều bắt đầu từ cái tâm đối với người bệnh, cũng như cái tâm của người doanh nhân muốn chia sẻ với người dân và cống hiến cho xã hội. Chỉ đơn giản vậy thôi!”-  bác sĩ Côn khẳng khái.

Hướng đến bệnh viện xanh, hiện đại 
Về chiến lược phát triển Bệnh viện An Bình, theo BS. Bùi Mạnh Côn, mục tiêu đầu tư Bệnh viện An Bình theo hướng bệnh viện hiện đại. Ở đó, người dân đi vào bệnh viện cảm thấy thoải mái như đi vào trung tâm thương mại. Người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao với chi phí  hợp lý. 
 Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là tập đoàn tư nhân đa ngành nghề, có uy tín hàng đầu tại Việt Nam. Công ty thành lập từ năm 1991, có trụ sở chính đặt tại TPHCM, chuyên đầu tư các lĩnh vực: bất động sản, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ tài chính, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp sạch… Hiệu quả hoạt động của công ty không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước, mà lãnh đạo tập đoàn đã thực hiện rất nhiều hoạt động xã hội từ thiện với nhiều cách làm nhân văn, thiết thực có sức lan tỏa lớn. 
Mỗi năm, lượng ngoại tệ chảy ra nước ngoài cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân TPHCM rất lớn. Trong khi với trình độ đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện không ngừng được đào tạo nâng cao, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, Giám đốc Bệnh viện An Bình bày tỏ có thể liên kết dễ dàng với các bệnh viện có uy tín các nước để phối hợp điều trị cho người dân tại Bệnh viện An Bình với chất lượng tương đương nhưng giá cả hợp lý, thay vì người dân phải ra tận nước ngoài để chữa trị với nhiều khoản chi phí khá tốn kém.
Với mô hình tài trợ vốn đầu tư xây dựng bệnh viện không điều kiện, không hoàn lại như cách làm của doanh nghiệp nói trên, mong rằng cách làm này sẽ lan tỏa để ngày càng có nhiều mạnh thường quân cùng chung tay góp sức với ngành y tế để giải bài toán quá tải bệnh viện, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo khó có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, giá hợp lý.  
 Dự án Bệnh viện An Bình được đầu tư theo 2 giai đoạn: 
Giai đoạn 1 do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ hơn 450 tỷ đồng, xây dựng khối 200 giường bệnh; khu khám chữa bệnh có quy mô 12 tầng nổi, 1 tầng hầm với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 23.000m2. Các khu chức năng gồm: khu khám đa khoa và điều trị ngoại trú; khu kỹ thuật nghiệp vụ; khu điều trị nội trú; khu hành chính, hậu cần… Giai đoạn 2 sẽ xây dựng khối 300 giường bệnh bằng vốn ngân sách. 

Các tin khác