Xây dựng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần quan tâm đến liên kết vùng

(ĐTTCO)-Ngày 29/9, tại TP.HCM, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Tài nguyên – Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Luật Đất đai sửa đổi cần chú ý đến liên kết vùng. (Ảnh minh hoạ V.C)
Luật Đất đai sửa đổi cần chú ý đến liên kết vùng. (Ảnh minh hoạ V.C)

Theo Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Đất đai (sửa đổi) phải bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 18 ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Qua đó tạo thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích...

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực đất đai, các đối tượng chịu tác động của dự án Luật đã đi sâu trao đổi, thảo luận để làm rõ các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013 thời gian qua.

Góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến băn khoăn điều 37, trong đó khẳng định cần phải bổ sung liên kết vùng, liên kết nội vùng.

PGS.TS Trần Văn Tuấn, Trưởng bộ môn quản lý đất đai, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nói: “Cần bổ sung quy định nguyên tắc về tính liên kết vùng trong quy hoạch sử dụng đất, liên kết giữa các vùng kinh tế xã hội với nhau, liên kết trong nội vùng kinh tế - xã hội, giữa các tỉnh trong vùng kinh tế - xã hội. Hiện nay cần phải đưa vào vì thực tế là các tỉnh đang lập quy hoạch tỉnh, nhưng tôi nghĩ rằng để liên kết được với nhau, để đưa ra được những chỉ tiêu đảm bảo tính liên vùng và đảm bảo hài hòa, tức là chúng ta tiết kiệm được đất đai. Tôi nghĩ cũng là một vấn đề, cho nên trong quy hoạch sử dụng đất phải làm rõ được nguyên tắc liên kết vùng, đặc biệt là các tỉnh trong vùng kinh tế - xã hội”.

Trong khi đó, TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần phải “đồng bộ” với các luật khác, tránh chồng chéo, khó áp dụng trong thực tế.

“Hiện nay đang có nhiều chế định giữa dự thảo với Luật Kinh doanh bất động sản, với Luật Nhà ở hiện nay cũng chưa thống nhất. Cho nên chúng tôi cũng lo ngại là trên thực tế sau này có lẽ việc rà soát để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các luật, trong đó Luật Đất đai là rất quan trọng, là một yêu cầu rất cần thiết để tránh tình trạng dự án có thể bị tắc bởi vì sự khác biệt giữa các luật” - TS. Đậu Anh Tuấn.

Thực hiện Nghị quyết số 50/2022 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 03 kỳ họp: cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp lần thứ 4 (tháng 10/2022), cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp lần thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 (tháng 10/2023). Theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế là đơn vị chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Các tin khác