Đề xuất xây dựng loạt hầm chui để giảm ùn tắc giao thông
Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội, tuyến đường Vành đai 3 có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của Thủ đô. Đây vừa là trục giao thông đối nội, vừa là trục giao thông quá cảnh kết nối giao thông nhiều tỉnh, thành phố với trung tâm Thủ đô Hà Nội vì vậy có lưu lượng xe rất lớn.
Theo quy hoạch giao thông vận tải Thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/03/2016, trên tuyến đường Vành đai 3 dự kiến sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ các nút giao khác mức: Nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3; nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Vành đai 3; Nút giao đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3.
Hiện nay dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long và dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long đã hoàn thành và đưa vào khai thác vì vậy việc triển khai nghiên cứu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các nút giao trên là cần thiết.
Cùng đó, theo quy hoạch phân khu đô thị N10, nút giao giữa đường Đàm Quang Trung và đường Cổ Linh (nút giao Cổ Linh) là nút giao trực thông (giữa tuyến đường trục Vĩnh Tuy - QL5 và đường đường Cổ Linh).
Tuy nhiên, hiện nay tại nút giao có lưu lượng giao thông rất lớn đặc biệt là khi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào sử dụng và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm 2023.
Vì vậy việc đầu tư xây dựng hầm chui theo hướng dọc đường dẫn cầu Vĩnh Tuy để hoàn chỉnh nút giao Cổ Linh là cấp thiết góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, phát huy hiệu quả dự án cầu Vĩn Tuy cả 2 giai đoạn, dự án đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến đầu cầu Vĩnh Tuy và hoàn thiện hệ thống đường Vành đai 2 theo quy hoạch.
Bởi thế, mới đây, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội đề xuất UBND Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, giao Ban phối hợp triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nêu trên.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội báo cáo và đề xuất với UBND Thành phố Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét chấp thuận dự án xây dựng tuyến đường vào cảng Khuyến Lương theo quy hoạch đã được HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư và nằm trong danh mục công trình ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 theo Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội nhưng chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Loạt hầm chui góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông
Những năm gần đây, Thủ đô Hà nội đã xây dựng và khánh thành hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, trong đó có nhiều hầm chui đã và đang góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Đồng thời, góp phần kết nối hạ tầng phục vụ vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Hầm chui Lê Văn Lương góp phần giảm ùn tắc tại "điểm đen" giữa đường Lê Văn Lương - Tố Hữu và Vành đai 3. |
Trong đó phải kể đến Hầm chui Đường vành đai 3 - Đại lộ Thăng Long. Đây là nút giao thông quan trọng giao cắt giữa đường Vành đai 3 với điểm đầu Đại lộ Thăng Long, đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Mỗi ống hầm có 3 làn xe cơ giới, chiều rộng 3,5m/làn với tổng kinh phí cho việc mở rộng, xây dựng hoàn chỉnh nút giao này là 1.087 tỷ đồng. Chiều dài phần hầm kín, hầm hở và đường dẫn vào hầm khoảng 691,8m (trong đó hầm kín dài 120m, hầm hở dài 488m, đường dẫn vào hầm dài 83,8m).
Hầm chui Thanh Xuân qua nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi có chiều dài 980m, được khởi công từ tháng 6/2014 từ kinh phí hơn 500 tỷ đồng vốn ODA Nhật Bản.
Hầm có tổng mức đầu tư 551 tỷ đồng, mỗi hầm có 2 làn xe cơ giới vận tốc thiết kế 60km/h. Chiều dài của phần hầm kín là 109m, hầm hở chữ U 280m và tường chắn chữ L 325m. Vốn là điểm giao cắt phức tạp giữa Quốc lộ 6, đường vành đai 3 giai đoạn 1, giai đoạn 2 và tuyến đường sắt trên cao, hầm chui Thanh Xuân giúp hóa giải tình trạng ùn tắc tại đây.
Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 được xây dựng theo hướng đường Lê Văn Lương, đi ngầm qua nút giao Khuất Duy Tiến - Tố Hữu, có tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475m.
Tổng giá trị phê duyệt dự án gần 780 tỷ đồng từ nguồn từ ngân sách Thành phố Hà Nội. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022).
Hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng vừa được khởi công ngày 6/10/2022 với tổng mức đầu tư xây dựng công trình gần 800 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2025. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết các điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, tăng khả năng lưu thông của các phương tiện.
Cần giãn dân, giảm lưu lượng cần vào trung tâm Thành phố
Sau khi hầm chui qua nút Lê Văn Lương - Vành đai 3 được đưa vào sử dụng, “điểm đen” ùn tắc giao thông tại đây đã được giải tỏa. Với ba mức lưu thông: Trên cao - đi bằng - đi ngầm, đây được xem là nút giao hiện đại, giải quyết được ùn tắc tại chỗ.
Tương tự, các hầm chui Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến; Trần Duy Hưng - Vành đai 3 đã phát huy vai trò vô cùng tích cực, quan trọng đối với các tuyến đường hướng tâm trọng yếu khu vực cửa ngõ phía Tây và Tây Nam Thủ đô.
Các chuyên gia giao thông nhận định, nếu không có các hầm chui dọc tuyến Vành đai 3, ùn tác giao thông tại cửa ngõ hướng ra khu vực tỉnh Hà Tây (cũ) sẽ còn trầm trọng hơn nhiều. Trong thời gian qua, các hầm chui được đưa vào hoạt động đã phát huy tác dụng rõ nét.
Ông Trần Văn Trình (quận Hà Đông) cho biết: “Từ nhà tôi đến cơ quan ở quận Ba Đình có thể đi theo đường Đại lộ Thăng Long, qua hầm chui Trung Hòa; hoặc đi Tố Hữu, qua hầm Lê Văn Lương; hoặc đi Nguyễn Trãi qua hầm Khuất Duy Tiến. Thông thường, kể cả giờ cao điểm chỉ hay xảy ra ở hai đầu hầm, khi các phương tiện trở lại làn đường đi bằng chứ ở hầm thì hiếm khi gặp ùn tắc.
Việc hình thành các nút giao khác mức là biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu xung đột giao thông tại các nút giao lớn, nhất là trong khu vực đô thị đông dân cư. Thành phố Hà Nội đã rất nỗ lực đầu tư cho hạ tầng, mang lại hiệu quả rất lớn góp phần hạn chế ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, công tác tổ chức giao thông còn bộc lộ bất cập, chính các hầm chui đang chịu áp lực lớn, bị hạn chế tác dụng do thiếu đồng bộ hệ thống hạ tầng, tổ chức giao thông chưa hiệu quả, lượng phương tiện cá nhân quá lớn dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Chẳng hạn, hầm chui Lê Văn Lương, ngay khi chưa được đưa vào sử dụng đã có nhiều dự báo lo ngại về những bất cập, thiếu đồng bộ với mạng lưới giao thông xung quanh. Hiện tại, pha đèn tín hiệu tại ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám đã bị tăng thêm khoảng 30% thời gian chờ, trong khi tốc độ xe qua nút tăng cao hơn nhờ hầm chui, dẫn đến ùn tắc nhiều hơn trước khi đưa hầm vào sử dụng.
Kết cấu hạ tầng là nguồn lực chính của giao thông. Do đó, các chuyên gia giao thông cho rằng, phải có phương án tổ chức giao thông phù hợp, giữ gìn kỷ cương, luật pháp nghiêm minh, nâng cao ý thức người tham gia giao thông mới có thể tận dụng được tối đa nguồn lực hạ tầng.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, dọc đường Nguyễn Trãi hiện có từ 25 - 29 điểm giao cắt trên mỗi hướng lưu thông. Dù đã phân tách làn riêng giữa ô tô với xe máy, xe buýt nhưng hiện tượng đi lấn làn vẫn diễn ra rất phổ biến, gây mất trật tự an toàn giao thông nghiêm trọng. Chưa kể đến hiện tượng đi ngược chiều gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn tại Ngã Tư Sở, đầu phố Cự Lộc, Kim Giang…
Cùng với dọn sạch hành lang giao thông trên các tuyến có hầm chui để đảm bảo lưu thông, xử phạt nghiêm vi phạ, việc xây dựng thêm nhiều hầm chui dọc tuyến Vành đai 3, kết nối tới các tuyến Dương Đình Nghệ, Hoàng Quốc Việt… để kéo giãn lưu lượng từ nội thành ra phía Tây, Tây Nam và ngược lại là cần thiết và cấp bách.
Về giải pháp giảm ùn tắc giao thông, PGS.TS. Hồ Anh Cương, Trưởng Bộ môn Công trình Giao thông Công chính và Môi trường, Trường Đại học Giao thông Vận Tải cho rằng: “Thành phố Hà Nội cần quan tâm đến bài toán rộng là quy hoạch giao thông đô thị, quy hoạch các khu chức năng đô thị theo đúng chuẩn, giãn dân, giảm nơi phát sinh giao thông, nhưng nơi có nhiều đến đưa ra ngoài Thủ đô theo đúng quy hoạch. Từ đó giảm lưu lượng cần vào trung tâm Thành phố, mà khi giảm đi rồi thì chúng ta không cần nghĩ tới việc làm hầm chui hay cầu vượt. Còn khi người dân vào quá nhiều thì chúng ta tìm giải pháp chữa cháy mà xây hầm thì chỉ giảm ùn tắc chứ tắc vẫn tắc nên nhiều người cho là nó không có tác dụng”.