Đầu tháng 1/2021, sân bay Long Thành thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã chính thức khởi công, dự kiến năm 2025 sẽ đi vào hoạt động.
Để tận dụng những cơ hội, lợi thế từ sân bay, tỉnh Đồng Nai đang tiến hành rà soát, quy hoạch nhiều tuyến giao thông kết nối các khu vực, quốc lộ với sân bay Long Thành, từ đó hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
Theo ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, sân bay Long Thành chính là trung tâm để xây dựng hệ thống giao thông kết nối với các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trong quy hoạch điều chỉnh giao thông của tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, phần lớn các tuyến đường được đề xuất mở mới, mở rộng và nâng cấp đều lấy sân bay Long Thành làm trung tâm.
Theo đó, tỉnh đã quy hoạch mở mới 4 tuyến đường kết nối các địa phương đến khu vực sân bay Long Thành cũng như giảm tải cho các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Các đường này sẽ có lộ giới từ 45-60m, tổng vốn đầu tư cả 4 đường lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, đường ĐT.770B với chiều dài 53km, vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng. Đường kéo dài từ đoạn giao với đường ĐT.763, thuộc huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) đến Quốc lộ 51, huyện Long Thành.
Đây là tuyến đường chiến lược, trục giao thông chính quan trọng kết nối các huyện, thành phố của tỉnh Đồng Nai như: Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và thành phố Long Khánh đến sân bay Long Thành.
Đường ĐT.773B, chiều dài hơn 51 km, tổng kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng. Tuyến ĐT.773B bắt đầu từ đường song hành phía Đông Quốc lộ 20 thuộc huyện Thống Nhất đến đường ĐT.764 thuộc huyện Cẩm Mỹ.
Đường này nhằm chia sẻ lưu lượng phương tiện cho đường ĐT.773, cũng như tạo thêm kết nối cho khu vực cửa ngõ phía Đông Nam của sân bay Long Thành.
Đường ĐT.780B từ Quốc lộ 1A, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đến đường Sông Nhạn-Dầu Giây thuộc huyện Cẩm Mỹ. Đường ĐT.780B kết nối Quốc lộ 1A qua các huyện Trảng Bom, Thống Nhất đến khu vực cửa ngõ phía Đông sân bay Long Thành.
Bên cạnh 3 tuyến đường kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành nêu trên, Đồng Nai còn mở thêm tuyến đường ĐT.763B từ Quốc lộ 56 thuộc huyện Cẩm Mỹ đến nút giao giữa đường huyện Suối Quýt và đường Phước Bình-Bàu Cạn-Cẩm Đường thuộc huyện Long Thành.
Đây là đường nhằm kết nối các huyện phía Đông của Đồng Nai, đồng thời chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông cho Quốc lộ 1A, Quốc lộ 20 và nút giao Dầu Giây hiện đang quá tải, tạo thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông đến sân bay Long Thành.
Theo ông Nguyễn Bôn, trong 4 tuyến đường nêu trên, đường ĐT.770B sẽ được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Đường này ngoài kết nối với sân bay Long Thành, còn giúp vận chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp Xuân Quế-Sông Nhạn với quảng đường hơn 3.600ha, khu công nghiệp Bàu Cạn-Tân Hiệp với quảng đường hơn 3.600ha đến cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải.
Ngoài ra, những năm tới, Đồng Nai sẽ mở rộng, nâng cấp 7 tuyến đường đường như: đường ĐT.769 đoạn từ giao với Quốc lộ 1A, huyện Thống Nhất đến đường giao với Quốc lộ 51B; đường ĐT.772, nối Trảng Bom với huyện Xuân Lộc; đường ĐT.773; đường 769E đoạn từ ranh sân bay Long Thành đến đường Vành đai 4.
Các tuyến đường này giúp giảm tải cho nhiều tuyến quốc lộ vốn đang rơi vào cảnh quá tải, giúp thông thương hàng hóa giữa 32 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trở nên dễ dàng hơn.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, những năm tới, Đồng Nai sẽ là “đại công trường” với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được thực hiện.
Bên cạnh các dự án do Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh như sân bay Long Thành, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, cao tốc Bến Lức-Long Thành, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, thì địa phương cũng ưu tiên vốn để xây mới, mở rộng hàng loạt đường kết nối với trung tâm là sân bay Long Thành.
Đồng Nai xác định, sân bay Long Thành là động lực, giúp các huyện, thành phố xung quanh phát triển, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là quy hoạch một mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế mà sân bay Long Thành mang lại.
Ông Cao Tiến Dũng cho biết, khi triển khai các dự án giao thông, Đồng Nai cần nguồn vốn rất lớn. Để có vốn làm đường, tỉnh sẽ huy động nhiều nguồn lực, đặc biệt là đề ra chủ trương, chính sách nhằm khai thác quỹ đất dọc theo những tuyến đường mới mở.
Để các dự án triển khai nhanh, tỉnh đang nghiên cứu, giao các đơn vị liên quan báo cáo chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; giao các địa phương rà soát các quỹ đất 2 bên các dự án. Cập nhật điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.