Sau khi nghe những ý kiến của người dân, bà Trịnh Thị Mỹ Lan, Phó Chủ tịch UBND quận 12, đã đề nghị lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của quận giải đáp, thông tin đầy đủ, kịp thời về dự án để người dân nắm bắt. Dưới đây là ghi nhận của ĐTTC.
Bà Trịnh Thị Mỹ Lan, Phó Chủ tịch UBDN quận 12:
Chính quyền chưa làm tròn trách nhiệm
Bức xúc của bà con trong dự án này là có thật, đó là trách nhiệm của quận, phường, phòng ban chưa thông tin đầy đủ cho bà con. Tôi đề nghị phải tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để quá trình triển khai dự án thuận lợi, hiệu quả, hợp lòng dân.
Tôi cho rằng việc xây Trường THPT Thới An là nhu cầu bức thiết. Bởi quận 12 là địa bàn có dân số đông với 760.000 dân, tăng gấp 6 lần so với 20 năm trước. Cùng với đà tăng dân số nhanh, sức ép về trường, lớp để 100% con em được đến trường rất lớn.
Hiện quận 12 đã được công nhận phổ cập THPT, nhưng thực tế con em học tập trong môi trường quá thiệt thòi, thiếu trường, thiếu lớp, quá tải nghiêm trọng, dẫn đến phần lớn con em phải sang học ở trường các quận/huyện khác.
Trong bối cảnh như vậy, năm học 2017-2018 đa số các trường học trên địa bàn buộc phải tăng sĩ số lớp, giảm lớp học 2 buổi hoặc tận dụng các phòng chức năng để có chỗ cho con em được đến trường. Tôi nghĩ, quận 12 muốn sánh kịp các quận/huyện vùng ven trong việc xây dựng trường đạt chuẩn phải mất thời gian dài nữa.
Bên cạnh những lĩnh vực ưu tiên đầu tư khác, lãnh đạo quận xác định phải quan tâm, chăm lo cho giáo dục, phải dành quỹ đất, đầu tư xây dựng trường lớp các cấp học, để con em học đến nơi đến chốn. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi dành sự quyết tâm cao trong việc sớm triển khai dự án Trường THPT Thới An.
Có ý kiến cho rằng đây là dự án “ma”, quy hoạch treo nhiều năm phải xóa. Tuy nhiên, tôi khẳng định dự án được triển khai đúng quy định pháp luật, trình tự thủ tục. Dự án chậm triển khai là do nguyên nhân khách quan, phụ thuộc vào việc cân đối ngân sách của TP. Nay dự án đã được TP thông qua, được ghi vốn, không chỉ là niềm phấn khởi của lãnh đạo quận mà là tin vui cho con em địa phương.
Người dân đối thoại với lãnh đạo quận 12 về dự án xây Trường THPT Thới An. Ảnh: M.TUẤN
Ông Trịnh Ngọc Hiếu, Phó ban Bồi thường GPMT quận 12:
Rất cần sự hợp tác của bà con
Theo Luật Đất đai 2013, trước khi ban hành quyết định thu hồi đất thì phải thông báo cho người dân biết. Tiếp đó chúng tôi phải tiến hành kiểm kê, đo đạc hiện trạng tất cả các hộ dân trong dự án để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay chúng tôi đang triển khai giai đoạn đầu tiên. Trên cơ sở hồ sơ địa chính cung cấp pháp lý đầy đủ, chỉ có 19 hộ ảnh hưởng.
Tuy nhiên, thực tế chúng tôi sẽ kiểm kê tất cả hộ đang sử dụng đất tại đó, không riêng gì các hộ có giấy chứng nhận hợp pháp. Nếu chúng ta sử dụng đất ổn định, có đầy đủ giấy tờ sẽ đủ điều kiện bồi thường, tái định cư theo quy định. Luật quy định rất rõ ràng và giải quyết thỏa đáng. Kiểm kê hiện trạng là bước phải thực hiện, bà con chia sẻ hợp tác, làm xong mới trình các cấp thẩm quyền để xem xét các chính sách giá, tái định cư, nơi ở, mức sống và nhiều vấn đề nữa.
Để thực hiện dự án này, chủ đầu tư là BQL đầu tư xây dựng công trình quận 12. Trên cơ sở thông qua danh mục chủ trương các dự án đầu tư của HĐND TP, UBND TP đã ký Quyết định 4826 ngày 16-9-2016 bố trí vốn cho BQL chuẩn bị đầu tư. Trên cơ sở đó, BQL đã lập dự án và được Sở Xây dựng phê duyệt dự án tại Quyết định 1503 ngày 31-10-2016. Đó là cơ sở pháp lý để dự án được triển khai. Hiện nay UBND TP đã có quyết định giao vốn để thực hiện bước tiếp theo của dự án.
Ông Thân Thế Hùng, Trưởng Phòng TN-MT:
Ông Thân Thế Hùng, Trưởng Phòng TN-MT:
Mua bán nhà giấy tay cũng được bồi thường
Việc xây dựng Trường THPT Thới An đã được đưa vào kế hoạch sử đất hàng năm của TP từ năm 2015. Hiện chúng tôi mới có thông báo thu hồi đất đến những hộ dân bị ảnh hưởng. Đây là bước đầu tiên để trình các cơ quan có thẩm quyền TP phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Buổi đối thoại hôm nay chúng tôi căn cứ biến động hợp pháp đất đai để gửi thư mời. Đối với những trường hợp mua bán giấy tay phải cung cấp giấy tờ liên quan để cán bộ kiểm tra cụ thể, sau đó đưa vào hồ sơ bồi thường.
Liên quan đến các ý kiến tại sao không cho chuyển mục đích sử dụng đất qua các thời kỳ, bởi theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất ở đã được công bố. Riêng nhà ở tạo lập trước thời điểm công bố quy hoạch được xem xét cấp giấy chứng nhận theo quy định.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo quận 12:
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo quận 12:
Xây trường là cần thiết
Trên địa bàn quận 12 hiện có 3 trường THPT Trường Chinh (phường Tân Hưng Thuận), Võ Trường Toản (phường Hiệp Thành) và Thanh Lộc (phường Thạnh Lộc). Cả 3 trường chỉ đủ khả năng thu nhận 5.564 học sinh, trong khi toàn quận có 12.209 học sinh độ tuổi 15-18 tốt nghiệp THPT. Năm học 2017-2018, toàn quận có 6.202 học sinh (14 tuổi) tốt nghiệp THCS vào học lớp 10, nhưng khả năng thu nhận cả 3 trường chỉ 2.070 học sinh.
Nếu khoảng 20% học sinh theo học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề, ngoài công lập, còn khoảng 4.000 học sinh phải đi vào trường THPT công lập. Không có trường buộc các em phải sang quận/huyện khác học.
Có người đặt vấn đề tại sao TP cho thi tuyển mà quận 12 lại xây trường, cần thiết hay không? Tôi cho rằng nếu chúng ta không xây trường để các em đi khắp nơi trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo chính quyền quận 12, trong đó có một phần trách nhiệm của chúng ta.
Thực tế số lượng các em học giỏi thi tuyển vào các trường chuyên, trường tốt trong TP cũng rất ít. Do đó việc quận 12 xây trường là cần thiết.