Nhận thức được tầm quan trọng của việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia và việc cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia, coi đây là chỉ số cơ bản để các nhà đầu tư xem xét trước khi có quyết định đầu tư vào một nước, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, xây dựng Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia giai đoạn 2021-2030, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Các tổ chức tín dụng quốc tế đều tỏ ra lạc quan về triển vọng của Việt Nam trong việc đạt mức đầu tư đến năm 2030.
Hỗ trợ tích cực
Ông Karby Leggett, Giám đốc toàn cầu Khu vực công và các tổ chức phát triển, Ngân hàng Standard Chartered cho biết việc nâng xếp hạng tín nhiệm lên mức đầu tư sẽ mang đến nhiều lợi ích như sự ghi nhận tốt hơn từ cộng đồng các nhà đầu tư, các kênh tiếp cận vốn đa dạng hơn và chi phí đi vay thấp hơn, bên cạnh các lợi ích khác.
Lộ trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam để đạt được mức đầu tư trong 10 năm tới sẽ bao gồm sự kết hợp giữa các mục tiêu định lượng và định tính. Song song với đó là việc duy trì "sức khỏe tín dụng" trong quá trình hiện thực hóa các tiềm năng tăng trưởng và củng cố vị thế tài chính đối ngoại như các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đã ghi nhận.
"Chúng tôi tin rằng việc chuyển hóa triển vọng tín nhiệm hiện tại ở mức tích cực thành các sự kiện nâng hạng tín nhiệm sẽ là bước đi tiếp theo của Việt Nam trong tiến trình nhằm đạt được mức xếp hạng đầu tư. Trong ngắn hạn, các tổ chức xếp hạng có thể sẽ tập trung vào tiến trình nâng cao chất lượng hoạch định chính sách tài khóa của Chính phủ cũng như khả năng Việt Nam có thể duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ và vai trò quan trọng của quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu," ông Karby Leggett bày tỏ.
Trong trung và dài hạn, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm sẽ nhìn vào các yếu tố mang tính định tính hơn để xem xét việc nâng hạng. Những yếu tố này có thể sẽ bao gồm gia tăng thu ngân sách và cải thiện các chỉ số chất lượng thể chế của Việt Nam ví dụ như Chỉ số Quản trị Toàn cầu (WGI).
Nếu Việt Nam tiếp tục đạt được những bước tiến trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu này đến năm 2030 và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tiếp tục duy trì triển vọng tích cực đối với mức độ tín nhiệm của Viêt Nam thì việc đạt được mức xếp hạng đầu tư là hoàn toàn khả thi.
Các tổ chức tín dụng quốc tế cho biết yếu tố sẽ hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, bao gồm: duy trì mức tăng trưởng cao bền vững so với các quốc gia tương đồng khác thông qua tăng cường nguồn vốn đầu tư và củng cố vị thế tài chính đối ngoại. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện tình hình tài chính công thông qua ổn định nợ trung hạn và tăng thu ngân sách cũng như giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng từ hệ thống ngân hàng.
Mức triển vọng tích cực của Việt Nam hiện tại thể hiện "sức khỏe tài khóa" và kinh tế đang được nâng cao và tín hiệu cho thấy hiệu quả trong việc cải thiện các chính sách tiền tệ, tài khóa sẽ có thể hỗ trợ tích cực tới tiến trình nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam như các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đã nêu rõ.
Theo các cơ quan xếp hạng tín nhiệm, những tác động của đại dịch lên tình hình tài chính công của Việt Nam hy vọng sẽ chỉ là tạm thời. Vì vậy, việc tiếp tục củng cố tài khóa và đạt được những bước tiến trong ngắn hạn sẽ hỗ trợ các chỉ số nợ và tài khóa. Việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát thấp cũng được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm ghi nhận trong đánh giá tín nhiệm của các tổ chức này.
Vấn đề mang ý nghĩa chiến lược
Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho hay kể từ khi Việt Nam gia nhập vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi cũng giảm dần và dự kiến sẽ kết thúc trong tương lai gần.
Hơn nữa, với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ như đã đề cập ở trên, nếu hoàn thành mục tiêu, Việt Nam có thể gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao trong vòng bốn hoặc năm năm nữa.
Để có thể đạt triển vọng trong việc đạt mức đầu tư đến năm 2030, Việt Nam cần quan tâm đến việc mở rộng sự tiếp cận thị trường vốn quốc tế, vay thương mại quốc tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việc nâng xếp hạng tín nhiệm lên mức đầu tư của Việt Nam là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược. Điều này giúp cải thiện hiệu quả chi phí huy động vốn nước ngoài hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của Chính phủ và doanh nghiệp.
Mặt khác, xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng là chỉ số tham khảo quan trọng, được đánh giá là đáng tin cậy, chuẩn mực và mang tính cập nhật cao mà nhiều tổ chức đầu tư và các nhà đầu tư quốc tế sử dụng trong quá trình xem xét, thẩm định.
Do tác động nặng nề của COVID-19 tại các vùng kinh tế trọng điểm, Việt Nam tăng trưởng âm trong quý 3/2021. Trong quý 4/2021, Việt Nam đã tìm lại được đà tăng trưởng tích cực khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao và các tỉnh, thành dần mở cửa trở lại.
Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố mức tăng trưởng cả năm 2021 là 2,58%, thấp nhất trong một thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, Khối Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vẫn lạc quan về triển vọng của Việt Nam trong năm 2022.
HSBC nhận định Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm sau, khi tỷ lệ phủ vaccine cao và kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường đang được thực hiện khẩn trương.
Nhờ hưởng lợi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, nguồn vốn đầu tư FDI trở lại mạnh mẽ, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng của Việt Nam cũng vừa được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín điều chỉnh Chỉ số môi trường vận hành (OE) trở lại mức trước đại dịch là "BB-."
Điểm OE cao hơn cùng với tình hình kinh doanh ổn định của ngân hàng trong bối cảnh kinh doanh thuận lợi đã góp phần nâng cao các chỉ số đánh giá hồ sơ tài chính cũng như khả năng sinh lời (VR).
Theo HSBC, với những yếu tố kể trên, cùng với việc Chính phủ đưa ra các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả, Việt Nam sẽ sớm được nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư trong tương lai không xa.
Mặc dù hiện có nhiều thuận lợi cho triển vọng đạt mức xếp hạng tín nhiệm đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 nhưng vẫn nên thận trọng trước những tác động bất ngờ của yếu tố khách quan, nhất là phải khẩn trương giải quyết một số các vấn đề nội tại còn tồn đọng hiện nay.
Theo ông Ngô Đăng Khoa, những nhóm vấn đề Việt Nam cần tập trung cải thiện một số vấn đề để đạt được mục tiêu nâng xếp hạng tín nhiệm, chẳng hạn các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô sẽ cần thêm các công cụ, từ đó, dự báo và giảm thiểu những tác động tiêu cực bên ngoài để đảm bảo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người cần được cải thiện và nâng cao như kế hoạch Chính phủ đã đưa ra.
Ngoài ra, cần phân công tổ phụ trách chính thức, có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và đưa ra các hướng dẫn kịp thời để giải quyết các vấn đề tồn đọng, hoàn thành các mục tiêu của đề án cũng như đáp ứng các tiêu chí cần thiết để đạt mức xếp hạng tín nhiệm đầu tư.