Chỉ định này phải tùy từng đặc điểm lâm sàng như: ho, sốt, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, bệnh lý nền, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ, nguồn lây… của bệnh nhi thì mới làm. Do đó, các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ việc xét nghiệm, không để xảy ra tình trạng xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, gây lãng phí. Một số chuyên gia nhi khoa cũng khuyến cáo, các phụ huynh không nên tự ý đưa con đi xét nghiệm hay mong muốn được nhập viện điều trị cho yên tâm mà cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, nhằm phòng ngừa lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Việc xét nghiệm phải theo chỉ định của bác sĩ, không phải theo nhu cầu của người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong điều trị Adenovirus, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là sàng lọc, phân luồng, phân tuyến điều trị nhằm hạn chế tối đa bệnh nhân trở nặng, tử vong, lây chéo trong cơ sở điều trị.
Ghi nhận tại một số bệnh viện ở Hà Nội, như: Nhi Trung ương, Xanh Pôn, Hà Đông, Thanh Nhàn cho thấy, các khoa, phòng điều trị cho trẻ em hiện đều chật kín bệnh nhi. Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 3 tuần vừa qua, ca mắc Adenovirus tăng mạnh với gần 3.000 ca và hiện bệnh viện đang điều trị cho trên 300 trẻ mắc Adenovirus, trong đó có 40 ca nặng phải thở máy, thở oxy và ECMO.