Bao kỳ công khó nhọc
Cuba có nhiều vùng trồng cây thuốc lá, nguyên liệu để làm xì gà, nhưng nổi tiếng nhất là Vinales. Nơi đây được mệnh danh là thủ phủ của xì gà Cuba, sản xuất loại xì gà ngon nhất của đất nước này. Từ Havana đến Vinales khoảng 200km.
Sau khi tham khảo giá các phương tiện vận chuyển, tôi chọn đi buýt vì rẻ nhất. Xếp hàng chờ một buổi, tôi trở về tay không vì vé hết tới tận mấy ngày sau. Anh chủ nhà rối rít xin lỗi vì quên cho tôi hay ở Cuba muốn đi du lịch bằng buýt phải mua vé trước ít nhất 1 tuần.
Dù biết trước ở Cuba với nền kinh tế do nhà nước bao cấp, nhưng va chạm thực tế lắm phen tôi cũng dở khóc dở cười.
Một góc Thủ đô Havana.
Sau mấy ngày chờ đợi, cuối cùng tôi cũng mua được vé xe đi Vinales. Đây là thị trấn nhỏ xinh đẹp, bao bọc xung quanh là những ngọn núi, trang trại thuốc lá bạt ngàn và những hàng cây cọ hiền hòa.
Nhà ở Vinales rất trật tự ngăn nắp, nhỏ xinh, lợp mái ngói, trước hiên có vườn hoa nhỏ, yên bình như những ngôi làng ngày xưa ở miền quê Việt Nam. Cách trung tâm thị trấn vài km có những trang trại trồng cây thuốc lá kiêm luôn xưởng chế biến xì gà.
Hôm tôi đón xe ngựa, hôm thuê xe đạp đến một trang trại sát chân núi để khám phá nghệ thuật trồng cây thuốc lá và quy cách làm xì gà. Anh chủ trang trại dẫn tôi tham quan, nhân tiện chào mời tôi mua xì gà do gia đình anh tự tay làm.
Nhìn trang trại rộng lớn bát ngát cây thuốc lá tươi tốt, tôi hỏi anh 1 năm thu nhập được bao nhiêu. Anh cho biết theo quy định ở Cuba, sau khi thu hoạch cây thuốc lá, 85% sản lượng sẽ bán cho nhà nước, gia đình anh được giữ lại 15%.
Cho tôi xem những điếu xì gà do gia đình tự quấn và gói trong chiếc lá cọ, anh nói đây là phần gia đình anh được sử dụng hay mua bán. Về thu nhập, anh cho biết cả nhà gồm 5 lao động được khoảng 5.000CUC/năm (tương đương 5.000USD). Thu nhập này là con số rất nhỏ ở những nước khác, nhưng ở Cuba là cả gia tài khi lương bác sĩ chỉ khoảng 80USD/tháng.
Làm ra vẻ “sành sỏi” về xì gà, tôi vẫn quyết định mua 1 bó lá cọ gói những điếu xì gà. Sau này bạn bè tôi, những người sành điệu loại thuốc hút xa xỉ này cho biết đó là loại xì gà đặc biệt nhất mà họ từng biết. Đổi lại việc mua xì gà, tôi đề nghị được học cách làm xì gà, anh chủ trang trại cười và gật đầu liền.
Rút mấy chiếc lá đã đủ độ lên men treo trên giàn, anh giảng giải cho tôi từng bước. Anh cho hay từ lúc trồng cây thuốc lá đến khi những điếu xì gà ra đời phải mất 1 năm trời. Do đất đai thổ nhưỡng, cây thuốc lá trồng ở Vinales thơm ngon hơn những nơi khác.
Xưởng sản xuất xì gà ở Vinales.
Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần. Sau giai đoạn thu hoạch lá, nhiều công đoạn khác đòi hỏi kinh nghiệm, sự tinh tế lẫn may mắn thuận lợi về thời tiết khí hậu, từ phơi khô, sấy, lên men cho lá. Đặc biệt là giai đoạn ủ men cho lá. Nhà ủ bắt buộc phải làm hoàn toàn bằng lá cọ để đảm bảo nhiệt độ không quá nóng, không quá lạnh, để khi lá lên men không khô, không mốc.
Vừa giải thích, anh vừa thoăn thoắt quấn xì gà cho tôi xem. Để tăng hương vị cho xì gà, anh dùng mật ong thoa nhẹ lên lớp lá ngoài cùng. Thảo nào xì gà có vị ngọt thơm đến thế. Nhưng đó chỉ là một bí quyết nhỏ, còn hằng hà sa số yếu tố nữa trong việc tạo nên những điếu xì gà chinh phục cả thế giới.
Anh chàng bán hàng lậu
Anh chàng bán hàng lậu
Vinales là thủ phủ của cây thuốc lá và chế biến xì gà, nhưng Havana mới là trung tâm kinh doanh mua bán loại đặc sản này. Không khó để tìm mua xì gà ở Cuba tại những cửa hàng quốc doanh ở các con phố mua sắm trong trung tâm Havana hay sân bay, bến xe, thậm chí tại các homestay. Phổ biến và nổi tiếng nhất là 3 loại xì gà Montecristo, Romeo y Julieta Churchill và Cohiba. Nhưng nơi nào bán xì gà chất lượng và giá cả ra sao, lại là câu chuyện đầy thú vị.
Tìm được thông tin có nhà máy thuốc lá kiêm nơi bán xì gà gần trung tâm thủ đô Havana, tôi đón taxi bất chấp phải trả 20CUC (tương đương 20USD) cho 2 chặng đi về chừng 10km. Chen chân cùng nhóm khách Mỹ và Canada, tôi hỏi thử giá vài loại xì gà rồi… “xanh mặt”. Có những loại cả trăm USD/điếu, rẻ nhất cũng 20-30USD.
Trong khi những vị khách giàu có hào hứng mua hết loại nọ đến loại kia, tôi ra ngoài, tìm chỗ bán xì gà chợ đen. Vừa ra tới cửa, một anh thanh niên to cao da đen nhẻm đã đứng “canh” sẵn, hỏi tôi muốn mua xì gà xịn giá rẻ anh có đủ loại. Trong quyển cẩm nang du lịch tôi mang theo có cảnh báo du khách không mua xì gà của những đối tượng này, nhưng tôi quyết theo về nhà anh bán xì gà lậu.
Sau những con hẻm ngoằn ngoèo quanh co, tôi đến một ngôi nhà loang lổ bé tẹo cũ kỹ - hình ảnh của nhiều nơi tại Cuba. Gia tài lớn nhất trong nhà là chiếc tivi đen trắng nhỏ xíu, thứ đã trở thành đồ cổ tại Việt Nam từ rất lâu.
Chìa bàn tay chai sần và sạm đen vì nhựa thuốc lá bắt tay tôi, anh kể là công nhân nhà máy thuốc lá nổi tiếng tôi vừa ghé đã hơn 15 năm. Với những kinh nghiệm có được, anh khởi nghiệp với nghề bán xì gà. Anh khẳng định cửa hàng có loại nào, anh có loại đó nhưng giá rẻ hơn một nửa.
Làm ra vẻ dân chơi thứ thiệt, tôi đòi xem những hộp xì gà lừng danh vừa kịp nhớ tên. Quả thật, anh chàng lôi hết hộp này đến hộp nọ ra cho tôi chọn. Anh cho hay xì gà xịn ngoài mùi vị là độ chặt và mịn của điếu thuốc, cháy rất đều và khi dừng hút tự động tắt không cần phải dụi.
Anh giải thích xì gà ở những cửa hàng đắt tiền vì chi hoa hồng cho hướng dẫn viên rất cao, ít nhất 30%. Chỗ anh chất lượng tương tự nhưng giá lại rẻ vì không phải mất những khoản trung gian hay thuê mặt bằng, trả lương nhân viên. Chỉ những tem nhãn dán từng điếu thuốc, anh bảo đó là tem chống giả, điều kiện bắt buộc nếu tôi muốn mang xì gà ra khỏi Cuba.
Tự tin rút một điếu xì gà trong loại được bán với giá thượng hạng, anh mời tôi hút để trực tiếp cảm nhận chất lượng. Không biết hút thuốc nên tôi đành từ chối mà lòng tiếc hùi hụi khi bỏ lỡ cơ hội thưởng thức thứ đặc sản nổi tiếng nhất Cuba.
Đã có chút hiểu biết về sự hư ảo của xì gà, tôi lắc đầu với mọi thương hiệu lừng lẫy được anh chàng bán hàng chợ đen chào mời và hỏi loại xì gà của dân địa phương. Anh chàng trố mắt nhìn tôi trong sự ngạc nhiên, có lẽ là lần đầu tiên có khách nước ngoài hỏi mua loại xì gà do nông dân tự quấn.
Anh chàng chạy đi đâu đó một lát rồi mang về cho tôi mấy gói. Xì gà nội địa không có những hộp gỗ hộp thiếc cầu kỳ, chỉ quấn bằng lớp giấy và đóng mộc hàng trong nước. Tuy nhiên, từng điếu xì gà vẫn được dán tem bảo hộ chống hàng giả hàng nhái. Ngoài Vinales, tôi chưa thấy xì gà này bán ở đâu. Không dễ có cơ hội mua loại xì gà nội địa chất lượng cao giá cả hợp lý, tôi mua hết những gói anh mang về.
Giơ ngón tay cái chỉ lên trời, anh chàng bán xì gà bảo tôi “mày giỏi thiệt đó, rất ít khách du lịch biết loại xì gà này, họ chỉ thích mua những loại nhìn đẹp mắt thôi”. Ghi lại cho tôi địa chỉ và điện thoại, anh bán xì gà dặn, khi nào quay lại Cuba gọi anh. Ra về rồi, tôi vẫn nhớ mãi đôi bàn tay sạm đen vì nhựa thuốc và nụ cười hiền hòa phóng khoáng của anh chàng bán hàng chợ đen - những người tạm gọi là “phi pháp” trong nền kinh tế mọi thứ do nhà nước quản hết như Cuba.
Câu chuyện về thế giới xì gà chỉ là một trong vô vàn những điều kỳ thú ở Cuba, một đảo quốc nhỏ nhưng mang trong mình hàng vạn điều thú vị, những nghịch lý không nơi nào có. Một xứ sở mà khi chưa rời đi tôi đã thấy nhớ nhung.