(ĐTTCO) - Khép lại năm 2016, một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gặp khó về đơn hàng và thị trường, nên kim ngạch không được như mong đợi. Đó cũng là một trong những lý do khiến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 được đưa ra khá khiêm tốn, chỉ 6-7%.
2016 - nhiều khó khăn
Năm 2016 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 349,2 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu 175,9 tỷ USD, tăng 8,6%; tổng kim ngạch nhập khẩu 173,3 tỷ USD, tăng 4,6%. Với mức tăng trưởng 8,6% xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 đã không hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 10%. Cụ thể, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã gặp khó, tiêu biểu là dệt may khi kim ngạch xuất khẩu của ngành ước đạt 23,56 tỷ USD, chỉ tăng tăng 3,3% so 2015, thấp nhất 10 năm qua.
Như vậy, dù đã điều chỉnh mục tiêu giảm từ 31 tỷ USD xuống còn 29 tỷ USD, nhưng ngành dệt may vẫn không thể hoàn thành mục tiêu. Có nhiều lý giải cho cho việc này, như ngoài nhu cầu giảm sút ở các thị trường chính Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… DN dệt may còn phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các nước xuất khẩu hàng dệt may lớn như Campuchia, Bangladesh. Những nước này đang có nhiều lợi thế, vì được hưởng thuế ưu đãi nhập khẩu vào Hoa Kỳ, trong khi chi phí đầu vào của DN Việt Nam quá cao.
Ngành hàng tiếp theo không đạt mục tiêu tăng trưởng là ngành da giày. Theo số liệu thống kê kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2016 đạt 12,9 tỷ USD, cách khá xa so với mục tiêu 17 tỷ USD. Theo các chuyên gia, những bất ổn về chính trị như sự kiện Brexit khiến sức tiêu dùng tại thị trường EU, nhất là thị trường Anh, chững lại.
Trong khi đó, một số đơn hàng lớn, gia công đơn giản bị dịch chuyển sang Myanmar, Bangladesh… khiến tình trạng thiếu đơn hàng ngày một nóng. 2016 cũng là năm đầu tiên hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này lại giảm 4,8% so với năm trước.
Về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu với 38,1 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2015. Tiếp đến là thị trường EU đạt 34 tỷ USD, tăng 10%; Trung Quốc 21,8 tỷ USD, tăng 26,3%; Nhật Bản 14,6 tỷ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc 11,5 tỷ USD, tăng 29%. Bước sang năm 2017 đây có lẽ vẫn sẽ là 4 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, song có một vấn đề đặt ra là làm sao để tăng cường xuất khẩu vào các thị trường đã có hiệp định thương mại (FTA) chung như ASEAN hay Liên minh kinh tế Á Âu nhằm đa dạng hóa thị trường và tận dụng cơ hội từ các FTA.
Tất nhiên trong bức tranh chung của xuất khẩu, ngoài những ngành hàng gặp khó cũng có một số ngành hàng vẫn duy trì được mức tăng trưởng như nhóm ngành nông nghiệp. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm qua xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 5,4% so với 2015. Tiếp tục duy trì 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.
![]() |
2017 - nỗ lực tận dụng lợi thế
Trên lý thuyết, việc tham gia vào nhiều FTA sẽ mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, song trong thực tế DN Việt Nam chưa tận dụng tốt những cơ hội này. AEC chính là một điển hình. Trước thực trạng xuất khẩu qua thị trường các nước ASEAN giảm sút ngay sau khi AEC hình thành, cuối tháng 11 Chính phủ đã có cuộc họp, chỉ đạo Bộ Công Thương phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định, cam kết thương mại trong ASEAN để không chỉ DN mà cả cơ quan quản lý kịp thời xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, chiến lược kinh doanh cho phù hợp.
Đồng thời nghiên cứu, làm rõ nhu cầu hàng hóa của thị trường ASEAN gắn với phân tích khả năng cạnh tranh của hàng hóa từ thị trường các nước có điều kiện kinh tế, năng lực sản xuất tương đồng với Việt Nam. Trên cơ sở đó, rà soát các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN để xác định những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, sức cạnh tranh và tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu đối với thị trường từng nước thuộc AEC.
Cùng với AEC, Liên minh kinh tế Á Âu đã chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 10. Rất nhiều kỳ vọng được gửi gắm vào hiệp định này vì Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với liên minh. Rất nhiều ngành hàng như thủy sản, dệt may, da giày được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nhờ thuế giảm sâu. Song thực tế một số ngành hàng lại chưa thực sự nhìn thấy cơ hội.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TPHCM, các DN cũng không mặn mà với thị trường này vì không cạnh tranh nổi với các sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc về giá. “Khi làm việc với các đối tác Nga, dù DN Việt Nam đã đưa ra mức giá rẻ nhất nhưng họ vẫn nói còn cao. Hiện chúng tôi chỉ khuyến khích 3-4 DN chuyên sản xuất các sản phẩm từ da cá sấu quan tâm nhiều hơn đến thị trường Nga, vì dòng sản phẩm này chưa có đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra vấn đề thanh toán với đối tác Nga cũng là rào cản không nhỏ” - ông Khánh nói.
Ngoài việc đẩy mạnh nắm cơ hội từ các thị trường có các FTA, việc duy trì tốc độ xuất khẩu vào 4 thị trường chính cũng hết sức quan trọng vì đây vẫn là những thị trường có nhu cầu tiêu dùng cao. Trong 4 thị trường này, Trung Quốc được nhận định tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chính vì thế, mục tiêu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đối với thị trường này trong năm 2017 là duy trì kim ngạch xuất khẩu ở mức khoảng 20% tỷ trọng của toàn ngành. “Duy trì ở mức ổn định, nhưng tập trung vào phân khúc phục vụ cho nhà hàng để trên cơ sở đó nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam, thay vì chạy theo sản lượng” - ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nói.