XK thủy sản: Mong manh 6,5 tỷ USD

Sau nhiều năm tăng trưởng ngoạn mục nay ngành thủy sản đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nhiều DN chế biến thủy sản lâm vào cảnh khốn đốn bởi giá xuất khẩu giảm, nhiều thị trường dựng lên hàng rào kỹ thuật, trong khi chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến thua lỗ, nợ chất chồng.… Chỉ tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD thủy sản trong năm 2012 đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Sau nhiều năm tăng trưởng ngoạn mục nay ngành thủy sản đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nhiều DN chế biến thủy sản lâm vào cảnh khốn đốn bởi giá xuất khẩu giảm, nhiều thị trường dựng lên hàng rào kỹ thuật, trong khi chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến thua lỗ, nợ chất chồng.… Chỉ tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD thủy sản trong năm 2012 đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Giảm công suất, tạm ngưng hoặc đóng cửa

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, chưa năm nào như 2012 khi mới khởi động vài tháng đã có nhiều nhà máy chế biến thủy sản phải giảm công suất, hoặc tạm ngưng hoạt động do thiếu nguyên liệu, thiếu vốn, làm ăn không hiệu quả…

Thực ra việc CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) rơi vào cảnh nợ nần buộc phải tạm ngưng hoạt động chẳng qua chỉ là “giọt nước làm tràn ly” cho ngành thủy sản, bởi còn rất nhiều DN “chưa bị lộ”.

Nhiều nhà máy thủy sản ĐBSCL gặp khó khăn. Ảnh: Phương Uyên

Nhiều nhà máy thủy sản ĐBSCL gặp khó khăn. Ảnh: Phương Uyên

Trước đó, vào quý III-2011, Công ty TNHH An Khang trở thành DN thủy sản đầu tiên vỡ nợ trên 300 tỷ đồng, đẩy nhiều công nhân vào cảnh mất việc. Tại Cần Thơ, còn có Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã “ôm” đống nợ trên 241 tỷ đồng, trong đó tới 236 tỷ đồng nợ xấu.

Nhiều DN thủy sản khác cũng mắc nợ hàng trăm tỷ đồng, hiện không có tiền mua cá nên phải hoạt động cầm chừng, chờ… phá sản. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ lo ngại khi 12 nhà máy chế biến thủy sản ở Cần Thơ với công suất tối thiểu 1.200 tấn cá/ngày, nay chỉ chạy 300 tấn/ngày.

Tại An Giang, nơi có 21 nhà máy chế biến cá tra, thuộc loại nhiều  ở ĐBSCL, cũng đang rơi vào cảnh “sống dở, chết dở”. Từ đầu năm 2012 đến nay nhiều nhà máy đã phải cắt giảm công nhân hàng loạt, một số nhà máy giảm công suất, thậm chí ngưng hoạt động do làm ăn không hiệu quả.

Trong khi đó, các nhà máy chế biến tôm và cá xuất khẩu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… cũng chẳng khá hơn.

Cuối năm 2011, DN tư nhân Vạn Hưng, chuyên chế biến thủy sản ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đóng cửa và không khả năng thanh toán tiền mua nguyên liệu cho người nuôi, buộc phải kéo nhau ra tòa. Một DN thủy sản ở Bạc Liêu vừa bị các ngân hàng siết nợ hàng trăm tỷ đồng.

Nguyên nhân do công ty làm ăn thua lỗ, nhiều lô tôm xuất khẩu bị đối tác phát hiện nhiễm kháng sinh vượt quy định nên trả về, trong khi nợ ngày càng tăng buộc phải tạm ngưng hoạt động.

Chưa hết, nhiều “đại gia” thủy sản khác ở các tỉnh trên cũng đang lâm nợ “khủng” đến hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng, có khả năng vỡ nợ bất cứ lúc nào. Theo VASEP, hiện nay rất nhiều nhà máy chế biến tôm xuất khẩu đang “hấp hối”. Nếu như các năm trước còn duy trì hoạt động 40-60% công suất, nay không ít nhà máy chỉ chạy 10-30% công suất.

Bất ổn vùng nuôi

Từ đầu năm đến nay, tình trạng tôm chết diễn ra trên diện rộng tại các địa phương ven biển ĐBSCL. Ông Lê Minh Hùng, ở ấp 4, xã Bình Thới, huyện Bình Đại (Bến Tre) ngao ngán: “Vụ này thả nuôi 250.000 tôm giống thẻ chân trắng. Tháng đầu tôm phát triển tốt, nhưng sau đó tôm đột ngột chết, cả 2 ao tôm mất trắng, thiệt hại trên 70 triệu đồng”. Hộ ông Lê Văn Trinh, cũng ở xã Bình Thới, thả 200.000 tôm giống được 40 ngày chết sạch, mất trên 50 triệu đồng.

Sự phát triển quá nóng của ngành thủy sản thời gian qua đã kéo theo nhiều hệ lụy. Từ năm 2007-2009, các tỉnh, thành ĐBSCL chạy đua xây nhà máy chế biến thủy sản (chủ yếu là cá tra và tôm), khiến toàn vùng có trên 190 nhà máy thủy sản, với công suất thiết kế hơn 1,2 triệu tấn/năm. Bùng nổ việc xây nhà máy, trong khi thiếu đầu tư phát triển vùng nuôi đã đẩy hàng loạt nhà máy lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu hoạt động. Việc quản lý thủy sản, quản trị DN, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, cung ứng vốn, các dịch vụ đi kèm… chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của ngành thủy sản.

Ông TRẦN THIỆN HẢI,
Chủ tịch VASEP

Điều khiến nhiều hộ ở huyện Bình Đại khó hiểu là thời gian qua việc nuôi tôm thẻ chân trắng liên tục thắng lớn, nay bước vào vụ mới năm 2012 đã thất bại thảm hại, dù các hộ nuôi đều tuân thủ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Tại Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau… tôm cũng chết trên diện rộng.

Ông Lê Văn Dô, Bí thư Đảng ủy xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), cho biết: “Đến nay, toàn xã thả nuôi được hơn 400ha tôm, tất cả đều áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, xử lý nước chu đáo, theo dõi chặt diễn biến thời tiết… nhưng không hiểu sao tôm chết cứ chết. Thống kê sơ bộ đã có 200ha tôm chết, chiếm 50% diện tích xuống giống”.

 Ông Bùi Hoàng Anh, trên 20 năm nuôi tôm ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), thừa nhận: “Tôm chết đang là nỗi ám ảnh của người nuôi. Trước đây tôm chết còn trị được, nay khi thấy tôm chết càng trị, càng chết thêm. Nguyên nhân tôm chết không ai biết, kể cả cơ quan chuyên môn”.

Trong khi đó, các hộ nuôi cá tra cũng đứng ngồi không yên. Ông Võ Văn Đệ, phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) nói: “Mấy năm trước nuôi cá tra tỷ lệ chết chỉ 10%, giờ đây hộ nào nuôi giỏi cá chết 30%, còn bình quân cá chết đến 40-50% tỷ lệ thả giống. Cá chết nhiều, người nuôi còn phập phồng chuyện giá cả lên xuống thất thường. Nuôi 1.000 tấn cá tra hiện nay cần trên 24 tỷ đồng, đến kỳ thu hoạch gặp rớt giá là mang nợ ngập đầu”. Trong khi đó người nuôi nghêu ở Tiền Giang, Bến Tre… cũng cùng cảnh ngộ.

Ông Trần Văn Kiển, Chủ nhiệm Hợp tác xã nghêu Đồng Tâm (Bến Tre), cho biết nghêu chết liên tục không làm sao ngăn được. Vụ nghêu năm ngoái, hợp tác xã có trên 1.500 tấn nghêu thịt và hơn 3.000 tấn nghêu giống chết, thiệt hại trên 100 tỷ đồng”.

Giảm lượng, tăng chất

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Quan điểm của tỉnh là không mở rộng thêm diện tích nuôi, mà tập trung khắc phục những hạn chế tồn tại, đồng thời tăng cường đầu tư chiều sâu nhằm tăng năng suất và chất lượng. Hiện Cà Mau có 3.400ha tôm công nghiệp, phấn đấu đến năm 2015 nâng lên 10.000ha tôm công nghiệp và 100.000ha tôm nuôi quảng canh cải tiến chất lượng cao”.

Đối với cá tra, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận: “Nghề nuôi cá tra bây giờ đòi hỏi vốn lớn, kỹ thuật cao và phải am hiểu thị trường. Do đó, tỉnh chủ trương thu hẹp dạng nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang nuôi tập trung quy mô lớn có đầu tư bài bản về giống, vốn, công nghệ… Khuyến khích DN đầu tư xây dựng các vùng nuôi cá theo tiêu chuẩn Global GAP, nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng khắt khe”. 

Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc mạnh dạn “tiễn” những DN làm ăn kiểu cơ hội, chụp giựt, theo phong trào, thiếu sự đầu tư… Thay vào đó tái cấu trúc DN thủy sản theo hướng giảm số lượng, mạnh về chất lượng, nội lực... Ngân hàng xem xét khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục hỗ trợ cho những DN làm tốt, có đầu tư chiều sâu, có thương hiệu… để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho công nhân và giữ vững thị trường xuất khẩu.

Về lâu dài, VASEP không chủ trương xây thêm nhà máy thủy sản, mà tập trung đầu tư công nghệ hiện đại nhằm chế biến thêm nhiều sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Khuyến khích DN xây dựng vùng nguyên liệu, từng bước giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu thủy sản, từng bước phục hồi ngành chế biến thủy sản ĐBSCL.

Các tin khác