Xóa bỏ triệt để cơ chế “bộ chủ quản”

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS. Trịnh Tiến Dũng (ảnh), chuyên gia kinh tế, nguyên Trợ lý Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, nhận xét: “Vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tổng số vốn đầu tư 34.500 tỷ đồng vừa thông xe đã hỏng, chỉ là một hiện tượng trong số rất nhiều  dự án cũng “chung số phận”.
Nếu không chặt đứt “vòi bạch tuộc” là cơ chế “bộ chủ quản” đối với các doanh nghiệp nhà nước, thì không thể giải quyết được tận gốc các tiêu cực như “sân sau”, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, thất thoát vốn... Tất cả đều làm giảm chất lượng công trình”.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vụ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới thông xe đã hư hỏng chưa nguôi ngoai, thì đơn vị chủ quản lại công bố mức phí cao tốc Bắc - Nam quá cao, từ 1.500 - 3.400 đồng/km, đã và đang gây bức xúc trong dư luận. Ý kiến của ông như thế nào về việc này?
TS. TRỊNH TIẾN DŨNG: - Tuyến đường cao tốc này do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) thi công, và tôi cũng đã có dịp làm việc với đơn vị này khi còn làm chuyên gia tư vấn về thể chế cho Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong 2 năm 2011 - 2012, trong dự án hỗ trợ tăng cường năng lực cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Tôi cho rằng đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài của vụ việc, ẩn sâu bên trong còn phức tạp hơn thế nhiều. Hiện nay dư luận và ngay cả chính cơ quan chức năng đang bàn cãi nhau, rằng đó là lỗi do vật liệu xây dựng không đảm bảo hay là do kỹ thuật thi công kém... Nhưng rõ ràng vì lý do gì thì hệ lụy của nó đang dấy lên nhiều lo ngại trong công luận.
Được biết sau khi đưa vào sử dụng tuyến cao tốc này đã bắt đầu thu phí, đến khi phát hiện hư hỏng tạm ngừng thu, nhưng đến nay lại đang rục rịch thu phí trở lại. Đặc biệt, vừa qua Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ GTVT lập các đoàn chuyên gia vào hiện trường để kiểm tra nhằm xác định nguyên nhân.
Tôi cho rằng việc này là cần thiết, nhưng không giải quyết được tận gốc vấn đề mà phải làm kiên quyết, triệt để.
Thực ra vụ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới làm xong đã hỏng chỉ là “giọt nước làm tràn ly”, bởi trên thực tế có rất nhiều dự án khác cũng có chung số phận như vậy. Nguyên nhân chính nằm ở thể chế quản lý sản xuất kinh doanh.
Ở đây là cơ chế bộ chủ quản doanh nghiệp vẫn còn tồn tại và biến tướng, khó đảm bảo đấu thầu vô tư, minh bạch, khách quan, có tính cạnh tranh cao. Hệ lụy của nó là các doanh nghiệp “sân sau” của bộ chủ quản rất dễ dàng trúng thầu, mặc dù về thực chất chưa hẳn đã đảm bảo năng lực thực hiện gói thầu cả về mặt kỹ thuật lẫn tài chính và kinh tế. Và doanh nghiệp thắng thầu có trực tiếp thi công hay bán lại dự án cho doanh nghiệp khác là điều quá rõ đối với công luận.
Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là Chính phủ phải triệt để xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, bởi Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ, không có bất kỳ doanh nghiệp nào trực thuộc bộ nào, chính quyền địa phương nào nữa. 
- Với thực trạng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hiện nay, theo ông nên giải quyết theo hướng nào?
- Đối với đường cao tốc 34.500 tỷ đồng tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, theo tôi có 2 nhóm giải pháp: tình thế và triệt để. Nhóm giải pháp tình thế chính là hiện nay cơ quan chức năng đang làm, tức lập đoàn kiểm tra, nghiên cứu hiện trường, kể cả lấy mẫu vật liệu đưa về phân tích, xem xét công nghệ và thiết bị thi công, sau đó kết luận...
Nhưng tôi cho rằng giải pháp tình thế này không giải quyết được vấn đề. Bởi dù có kết luận dự án sai phạm chỗ này, chỗ kia, trách nhiệm thuộc về đơn vị này, cá nhân kia, thậm chí chế tài kỷ luật ai đó vẫn mới chỉ ở phần ngọn, gốc của vấn đề chưa được nhổ triệt để nên các dự án khác sẽ tiếp tục sai phạm, thậm chí còn trầm trọng hơn.
Vì vậy cần thực hiện nhóm giải pháp triệt để, đó là xóa bỏ triệt để cơ chế bộ chủ quản, chính quyền địa phương chủ quản. Giải pháp này không có gì mới, nhưng nếu không có quyết tâm chính trị cao, không có sự giám sát của người dân thì rồi cũng sẽ rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi” như thời gian qua.
- Vừa qua Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động, đây có phải là giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng trên?
- Tôi không quá lạc quan về vai trò cũng như năng lực của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vì nhiều lẽ. Thứ nhất, sự minh bạch và hiệu lực của bất kỳ thể chế nào cũng phụ thuộc rất nhiều vào tính đơn giản của nó. Việc chuyển từ bộ chủ quản và chính quyền chủ quản sang ủy ban là việc “đánh bùn sang ao”, tầng nấc quản lý mà doanh nghiệp phải chịu vẫn không hề giảm.
Trước đây có 22 bộ/cơ quan ngang bộ và 63 chính quyền cấp tỉnh thì sau này sẽ có gần bấy nhiều đầu mối ở ủy ban. Đầu mối không hẳn là một vụ/cục/sở mà là cán bộ/chuyên viên. Và việc doanh nghiệp “kết nối” với các đầu mối ấy cả ở mặt tích cực và tiêu cực là điều không thể rõ hơn. Và chức năng quản lý nhà nước về vốn và tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp không thể nói là không trùng lắp với chức năng hiện tại của các bộ/ngành và địa phương. 
Thứ hai, bất cập về năng lực quản lý. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng việc tìm ra đủ các đầu mối “vừa hồng, vừa chuyên” (có đức, có tài) nêu trên còn khó hơn mò kim ở đáy biển. Bởi quản lý hàng ngàn ngành nghề với số vốn trên dưới 1.500 triệu tỷ đồng là một điều không tưởng trong bối cảnh năng lực quản trị doanh nghiệp của Việt Nam có lẽ chưa có nhiều tiến bộ vượt bậc so với giai đoạn trước đây tính phức tạp tăng gấp bội. 
Trong khi đằng sau các doanh nghiệp nhà nước hiện nay là những mối quan hệ chằng chịt, là bài toán đau đầu cho các nhà quản lý.
- Xin cảm ơn ông.
 Việc doanh nghiệp thắng thầu có trực tiếp thi công hay bán lại dự án cho doanh nghiệp khác là điều quá rõ đối với công luận. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là Chính phủ phải triệt để xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, bởi Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ, không có bất kỳ doanh nghiệp nào trực thuộc bộ nào, chính quyền địa phương nào nữa. 

Các tin khác