Trong tháng 3, Tây Ban Nha tăng gấp đôi số tiền vay từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) do bị “khóa cửa” trên thị trường trái phiếu, trong khi chi phí bảo hiểm vỡ nợ của nước này tăng vượt kỷ lục, khiến nhiều người tin rằng xứ sở bò tót chẳng bao lâu sẽ trở thành nước thứ 4 chịu ứng cứu.
Nợ ngầm và nợ xấu
Trong lá thư gửi đến khách hàng, Grant Williams của Quỹ Vulpes Investments cảnh báo: “Tây Ban Nha có 2 vấn đề nổi cộm nằm ở con số nợ công thực sự và hệ thống ngân hàng”. Các nhà phân tích từ lâu đã nói đến chuyện “nợ ngầm” của Tây Ban Nha, nhưng cho đến nay vẫn chưa thống nhất con số.
![]() |
Người dân Tây Ban Nha đổ ra đường phản đối các chính sách khắc khổ. |
Ngoài 915 tỷ EUR nợ đã được chính phủ thừa nhận, giới phân tích ước tính Tây Ban Nha còn các khoản nợ ngầm từ 20-50 tỷ EUR. Vấn đề nợ ngầm này từng một thời khiến chính trường Tây Ban Nha sóng gió khi những thành viên mới trong chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy mới nhậm chức, đi về phụ trách các địa phương và phát hiện rằng nợ công ở đó cao hơn con số đã được báo cáo.
Theo một phản ánh của tờ New York Times (NYT), nợ của vùng Catalonia được báo cáo tương đương 2% GDP trong cuộc bầu cử năm 2010, nhưng con số ước tính gần đây là 3,8%.
Hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha vẫn là mối quan ngại lớn. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha Miguel Angel Fernandez Ordonez hôm 10-4 phát biểu trên truyền hình rằng các ngân hàng sẽ cần thêm vốn nếu nền kinh tế tiếp tục đi xuống.
Hiện Tây Ban Nha đang ở trong cuộc suy thoái kinh tế thứ 2 trong vòng 3 năm, nên việc nền kinh tế nước này tiếp tục yếu đi dường như là điều chắc chắn.
Trong khi đó, bong bóng nhà đất của Tây Ban Nha vẫn là một ung nhọt, các ngân hàng từng rộng tay cho ngành bất động sản vay và cho đến nay vẫn chưa giải trừ hết nợ xấu. Theo một phúc trình gần đây của Open Europe, giá nhà đất ở Tây Ban Nha tính đến cuối năm 2011 giảm tới 11,2% so với năm trước và còn room để hạ thêm khoảng 35%.
Điều này sẽ khiến các ngân hàng khó khăn hơn với các khoản cho vay bất động sản đã thực hiện trong thời kỳ bùng nổ thị trường nhà đất. Các nhà phân tích ước tính 10-30% trong tổng 400 tỷ EUR các khoản vay bất động sản có thể bị vỡ nợ. Điều này sẽ là một cú đánh kép lên hệ thống ngân hàng vốn đã mong manh và thiếu vốn của Tây Ban Nha.
Cần ứng cứu?
Trong một bài viết, nhà phân tích Gonzalo Lira phản ánh GDP của xứ bò tót đang giảm, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng chóng mặt, nợ công tăng khoảng 10%/năm và sẽ chạm 90% GDP trong năm nay, nợ tư nhân cộng thêm 75% GDP, trong khi hệ thống ngân hàng thiếu hụt khoảng 80 tỷ EUR tiền vốn.
Chi phí bảo đảm chống vỡ nợ ở Tây Ban Nha đã tăng chạm kỷ lục khi Thủ tướng Mariano Rajoy cố ngăn chặn việc để đất nước ngửa tay xin ứng cứu. Khế ước bảo hiểm vỡ nợ (CDS) của nước này tăng 17 điểm lên 498 điểm vào cuối tuần trước, vượt kỷ lục mọi thời đại 493 điểm đã lập trước đó, cao hơn nhiều so với mức 380 điểm hồi cuối năm 2011.
“Tây Ban Nha được xem như là nước kế tiếp có khả năng phải cần đến một chương trình ứng cứu tài chính nhất. Không có gì ngạc nhiên khi CDS của họ tăng giá kỷ lục” - Brian Barry của Investec Bank Plc ở London nói.
Lợi suất trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha tăng thêm 0,17% lên 5,99% vào cuối tuần trước, tăng 0,21% so với trước đó 1 tuần. Trong khi đó, các ngân hàng Tây Ban Nha trong tháng 3 phải gia tăng gấp đôi các khoản vay từ ECB so với tháng 2, lên mức kỷ lục 316 tỷ EUR từ 169,8 tỷ EUR hồi tháng 2.
Cho đến nay, ECB cho các ngân hàng trong khu vực đồng EUR vay khoảng 1.000 tỷ EUR lãi suất thấp.