Tìm kiếm tự do trong công việc, hay nói cách khác là “nghề tự do” nhưng vẫn đủ chuyên nghiệp và năng lực cạnh tranh là điều mà nhiều bạn trẻ, nhất là thế hệ gen Z hướng đến.
Không gian làm việc tự do trong tổ hợp dành riêng cho những lĩnh vực khác nhau được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Ảnh: Xôn Xao Studio
1. Tắt máy tính và bắt đầu với chiếc máy ảnh, chụp lại những khoảnh khắc đẹp của hoa lá trong khuôn viên khách sạn ở TP Đà Lạt, Nguyễn Thị Khánh Vy (23 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) chia sẻ: “Chuyên môn của tôi là thiết kế đồ họa, nhưng gọi là nghề tự do cũng không sai, chủ yếu làm online, tôi cố gắng sắp xếp mọi thứ để có thể vừa đi chơi vừa làm; hoặc có những hợp đồng, khách hàng mời làm việc trực tiếp, tôi tranh thủ kếp hợp giữa đi làm và đi du lịch luôn. Có những ngày tôi làm liên tục cho xong, dành thời gian còn lại trải nghiệm thiên nhiên, mọi thứ rất tự do vì chủ yếu do mình sắp xếp thôi”.
Tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ Anh, Trần Quang Khoa (26 tuổi, ngụ quận Tân Bình) khiến nhiều bạn bè ngạc nhiên khi hôm nay làm phiên dịch, ngày mai lại tham gia dự án bảo tồn di sản không liên quan gì đến ngành học. Khoa cho biết: “Ngoài việc làm phiên dịch, tôi thích đăng ký tham gia vào các dự án bảo tồn di sản, văn hóa, hay chia sẻ kiến thức bảo vệ môi trường từ những nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Và ngay từ lúc là sinh viên, tôi có học thêm lớp đồ họa, nên cũng có thể tham gia ở vai trò thiết kế… Nói chung là kỹ năng do mình rèn luyện mà có, nên công việc nào cũng có chút gì đó phù hợp với năng lực của mình”.
Xu hướng làm việc nhưng vẫn đủ thời gian nghỉ ngơi, trải nghiệm du lịch và cuộc sống là điều mà những ai theo “nghề tự do” như Khoa hay Khánh Vy hướng đến. “Cố gắng trong công việc là chuyện đương nhiên, nhưng tôi không đặt nặng vấn đề phải có vị trí này kia. Chỉ cần đủ một khoản cho mình lo cuộc sống và tích lũy, còn lại cứ tự do và thoải mái làm việc thôi. Lúc nào cần tập trung phải thật chuyên nghiệp, nhưng cũng tranh thủ sau đó nghỉ ngơi, thư giãn và tôi không lựa chọn việc tuổi trẻ phải làm việc ngày đêm, bất chấp sức khỏe để làm giàu, đó là điều không nên”, Khoa bày tỏ.
2. “Chuyển đổi số” trở thành xu hướng toàn cầu và đại dịch Covid-19 thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Trên một số diễn đàn tìm việc, phân tích thị trường lao động, nhiều chuyên gia dự đoán có khoảng 20%-25% người lao động trên toàn cầu sẽ chuyển từ làm việc tại văn phòng sang làm việc tại nhà ít nhất 3 ngày trong tuần và phương án này sẽ là giải pháp cố định trong thời gian sắp tới.
Đây không phải là xu hướng mới, vài năm trở lại đây, làm việc tự do được nhiều bạn trẻ lựa chọn và làm việc trực tuyến trở thành lối văn hóa digital nomad (tạm dịch: những “gã du mục công nghệ”) lên ngôi trong giới trẻ hiện đại.
Và xu hướng làm việc sau dịch Covid-19 cũng đặt ra không ít thách thức cho lao động trẻ, khi đối thủ cạnh tranh hay đồng nghiệp của họ, rất có thể là công nghệ như AI hay robot. Việc “chuyển đổi số” này, cũng được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ có không ít bộ phận ở các công ty, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, thậm chí có thể không cần nhân viên làm việc trực tiếp. Tại Việt Nam, điều này chưa phổ biến, nhưng vẫn có thể trở thành một xu hướng nếu dịch còn kéo dài.
Thử nghiệm thêm 2 phần mềm mới cho công ty, Kim Thành (32 tuổi, kỹ sư phần mềm, ngụ quận 3) cho biết: “Hiện tại, một số bộ phận trong công ty tôi đã tiến hành số hóa, nhân viên giảm bớt việc và có thể kiêm thêm những đầu việc khác. Để nói công nghệ hay robot thay thế người lao động, điều này còn rất xa. Công ty tôi thử nghiệm thêm 2 phần mềm mới áp dụng cho những bộ phận cần bảo mật cao, có thể đáp ứng được tình huống không may phải giãn cách xã hội nhiều tháng”.