Nhưng việc sắp xếp cũng chỉ giải quyết được phần nhỏ nhu cầu và số còn lại vẫn tiếp tục “rong ruổi lấn chiếm”. Đặc biệt, một số khu vực được sắp xếp thì biến tướng, trở thành “phố ăn nhậu trên vỉa hè”, gây bát nháo cho khu vực, bức xúc cho người dân.
Phố đi bộ, phố ẩm thực thành… phố nhậu!
Đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) vốn là khu phố Tây nổi tiếng và được thí điểm thành phố đi bộ để thu hút khách du lịch, cũng để giải quyết tình trạng mất trật tự, mỹ quan đô thị. Theo đó, các điểm kinh doanh được bày bàn ghế ra lề đường, còn lòng đường dành cho người đi bộ.
Tuy nhiên, hiện nay phố đi bộ Bùi Viện gần như trở thành phố nhậu. Kể từ giờ cao điểm du khách đổ về (19 giờ) và sau 22 giờ thì hầu hết các quán đều tràn xuống lòng đường, thậm chí có quán chiếm dụng đến 2/3 lòng đường để đặt bàn ghế. Những khoảng trống không có bàn ghế thì được lấp kín bằng xe đẩy, hàng rong, người đi bộ phải len qua các dãy bàn hoặc chen chân nhau vượt qua các “chướng ngại vật” hàng rong, xe đẩy. Vào TPHCM du lịch, lần đầu tới phố đi bộ Bùi Viện, bà Nguyễn Hạ Anh (ngụ Nam Định) nhanh chóng quay ra vì con phố quá đông đúc, ngột ngạt và bát nháo. Cả tuyến phố toàn quán nhậu.
Quán nhậu chiếm toàn bộ vỉa hè rộng hàng chục mét trên đường Vĩnh Khánh (quận 4), xe khách đậu dưới lòng đường. Ảnh: THU HƯỜNG
Nhìn nhận về sự bát nháo ở phố đi bộ Bùi Viện, đại diện phường Phạm Ngũ Lão cho rằng lãnh đạo và cán bộ phường cũng không đủ sức quản lý, đảm bảo an ninh trật tự tại đây. Theo UBND phường, thời gian đầu đưa vào hoạt động có 24 bảo vệ được bố trí để bảo vệ an ninh trật tự cho tuyến phố. Sau 8 tháng hoạt động, số bảo vệ này rút hết. Trong khi ở phường chỉ có 4 nhân viên trật tự đô thị và 15 bảo vệ, đã không đủ để thực hiện cho nhiệm vụ chung, nay còn phải “gánh” thêm phố đi bộ với 4.000 - 5.000 khách/tuần, gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Liên quan đến việc bố trí, sắp xếp cho người dân kinh doanh trên vỉa hè, cuối tháng 3-2018, quận 4 ra mắt phố ẩm thực Vĩnh Khánh. Quận 4 kỳ vọng đưa hoạt động tự phát, không đảm bảo an toàn thực phẩm và an ninh trật tự của các quán ăn này vào nề nếp, từ đó quảng bá ẩm thực truyền thống, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quận.
Đặc biệt, việc hình thành phố ẩm thực còn nhằm chỉnh trang đô thị, bố trí, sắp xếp lại các hộ kinh doanh trên tuyến đường này. Tuy nhiên, qua một thời gian hoạt động, con phố này hiện như một phố ăn nhậu dưới “vỏ bọc” của phố ẩm thực. Hầu hết các quán ăn đều mang một màu sắc chung là quán nhậu vỉa hè bình dân. Phóng viên hoàn toàn không ghi nhận được hình ảnh của ẩm thực địa phương được quảng bá như tiêu chí đặt ra khi thành lập.
Không những thế, tuyến đường dài khoảng 1km (qua các phường 8, 9, 10), có nơi vỉa hè rộng hàng chục mét, nhưng hầu hết khách bộ hành phải đi xuống lòng đường. Toàn bộ vỉa hè trở thành nơi thực khách ngồi nhậu từ tối tới khuya, một số quán còn dựng xe xuống lòng đường.
Chợ đêm, điểm bán hàng rong vẫn chưa đủ
Một trong những mô hình đột phá trong giải quyết lấn chiếm lòng lề đường là bố trí, sắp xếp cho người có nhu cầu vào nơi kinh doanh ổn định. Một số nơi ở TPHCM đã làm rất tốt, như tại hẻm 60 Lý Chính Thắng (phường 8 quận 3). Bà Nguyễn Thị Thu Nga (hẻm 62/2 Lý Chính Thắng) là một trong các hộ được bố trí tại đây, cho biết gia đình bà 8 anh chị em, sinh kế bằng nghề buôn bán nhỏ trên hè phố, thu nhập bấp bênh. Từ tháng 11-2017, bà cùng 24 hộ dân khó khăn ở phường được bố trí kinh doanh tại khu đất đầu hẻm 60 Lý Chính Thắng. Dù là bán theo ca nhưng cuộc sống của bà cùng các hộ dân được bố trí đã ổn định hơn.
Khu vực thí điểm cho người bán hàng rong tại hẻm 60 Lý Chính Thắng (quận 3). Ảnh: QUANG HUY
Trước đó, quận Tân Bình cũng sắp xếp cho 20 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đang bán hàng rong ở phường 3 vào khu vực trước cửa chợ Phạm Văn Hai (phường 3) và thí điểm đường Lê Bình (phường 4) trở thành đường bán hàng rong. Ở đường Lê Bình, UBND phường bố trí tạm cho 15 hộ dân buôn bán 2 ca/ngày. Các hộ dân chỉ bán vài giờ vào ban đêm nhưng thu nhập ổn định và cao hơn so với việc bưng gánh, đẩy xe bán như trước.
Theo ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND phường 4 quận Tân Bình, phường bố trí những hộ gia đình nghèo buôn bán vỉa hè ở phường vào khu vực này. Số người dân đăng ký đông (100 hộ) nhưng phường chỉ có thể giải quyết cho 15 hộ. Số đông người dân còn lại chưa được bố trí nên họ sẽ tiếp tục tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán. Đây cũng là vấn đề rất nan giải, phường chưa tìm được khu vực đủ điều kiện để tiếp tục bố trí cho người bán hàng rong buôn bán.
Tại quận 1, các trường hợp được sắp xếp vào kinh doanh ở phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp (phường Bến Nghé) đã có thu nhập ổn định hơn trước, vấn đề an toàn thực phẩm được kiểm soát và mỹ quan đô thị được đảm bảo. Thế nhưng, ở 2 khu vực này chỉ giải quyết cho 70 hộ - một con số quá nhỏ so với hàng ngàn gánh hàng rong đang mưu sinh trên vỉa hè ở quận 1.
Đại diện UBND quận nhìn nhận thực trạng này và cho biết, quận sẽ mở thêm các điểm khác như tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Bến Thành). Ngoài ra, UBND quận cũng giao UBND 10 phường khảo sát, đề xuất tạm sắp xếp mua bán trên vỉa hè một số tuyến đường không gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Song để đưa kế hoạch này vào thực hiện thì phải chờ UBND TPHCM sửa đổi, bổ sung Quyết định 74/2008 quy định về sử dụng lòng đường, vỉa hè.
Là quận ven nên quận 12 có thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm mặt bằng để sắp xếp cho các trường hợp đang lấn chiếm vỉa hè kinh doanh. Theo Phó Chủ tịch UBND quận 12 Đậu An Phúc, đến nay quận đã thành lập điểm chợ tạm ở khu Cây Sộp (phường Tân Hưng Thuận), điểm bán hàng rong cống Cầu Đồng (phường Thạnh Lộc), điểm bán hàng rong chợ Minh Phát (phường Thạnh Xuân) và chợ đêm (phường Trung Mỹ Tây). UBND quận cũng đang nghiên cứu, lựa chọn địa điểm phù hợp để thí điểm mô hình chợ đêm, chợ bán hàng rong. Việc này nhằm đưa người bán hàng rong, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè có địa điểm kinh doanh, qua đó vừa giải quyết được nhu cầu của người dân, vừa tạo thuận lợi cho công tác quản lý. |