Báo cáo với Quốc hội, Chính phủ cho biết, do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ ngân hàng trước những rủi ro pháp lý, có không ít cán bộ đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được Chính phủ hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra ngày 22/5 tới.
Theo đánh giá của Chính phủ, sau 4 năm thực hiện tái cơ cấu và 3 năm triển khai thực hiện đề án xử lý nợ xấu, đến nay, các TCTD yếu kém đã được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống, tài sản của Nhà nước, nhân dân.
Bên cạnh đó, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản. Các TCTD cũng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu. Tính đến ngày 31/12/2015, các TCTD đã xử lý được trên 493.000 tỷ đồng nợ xấu. Đến cuối tháng 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46%.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Chính phủ, hệ thống các TCTD đến nay còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều TCTD gặp khó khăn, nhiều TCTD có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tuy đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay. Đầu tư đối với nền kinh tế do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.
Liên quan đến tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để. Thực tiễn cho thấy, rất khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể.
Các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số TCTD vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp. Một số TCTD vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của TCTD, trong đó tỷ lệ sở hữu lớn chủ yếu tại một số doanh nghiệp Nhà nước chưa khắc phục xong.
Không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm trước các rủi ro pháp lý
Giai đoạn vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém để bảo đảm an toàn của hệ thống TCTD.
Tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD yếu kém còn gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện việc hỗ trợ.
Theo nhận định của Chính phủ, việc khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém chưa hoàn thiện đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho NHNN nói chung cũng như các cán bộ xử lý trực tiếp nói riêng (bao gồm cán bộ tham mưu của NHNN, các nhân sự của TCTD được NHNN chỉ định tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng mua bắt buộc) khi nghiên cứu, tìm các biện pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của các ngân hàng này.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ cũng như công tác chỉ đạo của NHNN do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý. Qua đó, tác động lớn đến nguồn nhân lực xử lý TCTD yếu kém, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý TCTD yếu kém.
“Trên thực tế có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý TCTD yếu kém, bao gồm cả việc tham gia Ban kiểm soát đặc biệt”, báo cáo cho hay.
Do đó, theo Chính phủ, để xử lý các vướng mắc, bất cập nêu trên thì việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định tại Luật các TCTD để xử lý các vấn đề đặc thù trong quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD yếu kém là cần thiết.