Cán bộ có tư duy nhiệm kỳ không xứng đáng ở trong bộ máy
Chất vấn Phó thủ tướng, đại biểu (ĐB) Phạm Thị Minh Hiền - Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, bày tỏ lo lắng trước hiện trạng dự án đầu tư đắp chiếu; công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình pháp luật nhưng yếu tố người nhà “giọt máu đào hơn ao nước lã” lại quyết định. “Với trách nhiệm của một Chính phủ kiến tạo, hành động vì dân, đề nghị có những giải pháp mạnh hơn, sát hơn để làm chìa khóa mở những từ khóa như “đúng quy trình, bổ nhiệm thần tốc, giải cứu” đang dần khép lại niềm tin của dân”, bà Hiền phát biểu.
Trả lời chất vấn trên, Phó thủ tướng nói, hiện tượng bổ nhiệm người nhà, người thân không đúng quy định đã gây phản ứng xấu trong dư luận. Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra 11 địa phương, đã phát hiện một số sai phạm.
"Thủ tướng yêu cầu thu hồi các quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng trái pháp luật; xem xét miễn nhiệm chức vụ hoặc chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp qua kiểm tra phát hiện sai phạm; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc để xảy ra tình trạng trên", Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Theo ông Trương Hòa Bình, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ. Trước mắt tập trung vào việc thực hiện các quy định về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo quản lý.
“Trong năm 2017, Chính phủ đã giao các bộ ngành, địa phương thanh tra, kiểm tra tối thiểu 30% đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ”, Phó thủ tướng thông tin thêm.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Trưởng ban Dân tộc tôn giáo T.Ư Hội LHPN VN) về tư duy nhiệm kỳ đang tồn tại ở nhiều ngành, nhiều cấp dẫn tới cắt khúc trong quản lý, phân tán nguồn lực đầu tư, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thẳng thắn: Những cán bộ có tư duy nhiệm kỳ không xứng đáng ở trong bộ máy; để xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân thì cán bộ phải có tư duy phục vụ. Người được bổ nhiệm, bầu, phê chuẩn vào bất cứ vị trí công tác nào phải chuẩn mực, thực thi công vụ đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo.
Theo ông, do vậy, cần tăng cường kiểm tra để phát hiện những cán bộ không thực hiện đúng nghị quyết, kế hoạch, tinh thần trách nhiệm và nhiệm vụ được phân công.
Không chỉ có 12 dự án ngàn tỉ thua lỗ
Chất vấn về các dự án kém hiệu quả, thất thoát nhiều ngàn tỉ đồng, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, ngoài 12 dự án ngàn tỉ “đắp chiếu” đã được Chính phủ xác định, đến nay còn bao nhiêu dự án thuộc các bộ, ngành quản lý rơi vào tình trạng như trên? “Chính phủ có biện pháp, giải pháp gì để phát hiện và xử lý kịp thời những dự án tương tự nếu có để hạn chế tối đa lãng phí trong đầu tư? Để xảy ra tình trạng như các dự án nêu trên thì trách nhiệm thuộc về ai?”, ông Tiến chất vấn.
Theo Phó thủ tướng, Chính phủ đã công khai, minh bạch thông tin về vấn đề trên và các cơ quan báo chí cũng đã đưa thông tin cơ bản về 12 dự án thua lỗ, thất thoát. Những dự án này sẽ được cơ cấu, sắp xếp lại, giải quyết trên tinh thần “không để thất thoát ngân sách, không dùng ngân sách nhà nước trả nợ mà giải quyết theo cơ chế thị trường.
Đồng thời sẽ xử lý nghiêm các sai phạm kể cả tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp. “Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo do Phó thủ tướng làm Trưởng ban để chỉ đạo khắc phục tình trạng này”, ông Trương Hòa Bình cho hay.
Ngoài 12 dự án đã được chỉ mặt, điểm tên, Phó thủ tướng cho rằng “không thể khẳng định là không có, nhưng tựu trung là còn”. Ông cho biết Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tự rà soát, phát hiện và báo cáo để Chính phủ tiếp tục có giải pháp xử lý với các dự án “đắp chăn, đắp chiếu”.
Đầu tư dàn trải, chưa hiệu quả do cán bộ yếu kém, nhũng nhiễu
Lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng KH-ĐT tỏ ra khá lúng túng trước một loạt những vấn đề hóc búa các ĐB đặt ra như đầu tư công dàn trải, lãng phí; tiền có rồi nhưng phân bổ quá chậm, không tiêu được.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) ghi nhận Bộ KH-ĐT có nhiều nỗ lực, song nếu nhìn thẳng, có một sự thật được nhận thấy đó là còn quá nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý kiểm soát đầu tư công.
Hậu quả dẫn đến tiêu cực, lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong sử dụng vốn. “Bộ trưởng nhìn nhận đánh giá thực trạng này thế nào? Trách nhiệm của Bộ KH-ĐT? Đâu là giải pháp căn cơ để chấn chỉnh, khắc phục, thưa Bộ trưởng?”, ĐB Học chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc thất thoát lãng phí trong đầu tư công không chỉ diễn ra hiện nay mà đã tồn tại trong một quá trình dài. Ông Dũng cũng thừa nhận, trên thực tế bố trí vốn đang còn dàn trải, chưa sát với nhu cầu, dẫn đến lãng phí.
Về trách nhiệm của Bộ KH-ĐT, Bộ trưởng Dũng nhìn nhận: “Chúng tôi cũng nhận thấy công tác tham mưu thời gian qua chưa đầy đủ và chưa đảm bảo nâng cao hiệu quả. Thứ hai, còn hạn chế yếu kém trong kiểm tra, giám sát phát hiện cũng như để xử lý các trường hợp thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Đấy là 2 nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ làm chưa tốt”.
Ngoài lãng phí, dàn trải, các ĐB lo ngại về việc trong khi nhiều dự án cấp bách, quan trọng quốc gia bị đói vốn, thì vốn đầu tư công đã bố trí được lại phân bổ, giải ngân rất chậm. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích nguyên nhân chủ yếu do luật Đầu tư công mới triển khai.
Đặc biệt, có vướng mắc khách quan do quy định kiểu “con gà - quả trứng”. “Khi lập kế hoạch đầu tư công, phải có danh mục dự án (dự án có trước) đăng ký kế hoạch thì mới xác định được khả năng cân đối nguồn vốn (nguồn vốn có sau). Nhưng ở chiều ngược lại, để phê duyệt được chủ trương đầu tư một dự án và đưa vào đăng ký kế hoạch, phải dự kiến được khả năng cân đối nguồn vốn (nguồn vốn có trước) mới phê duyệt được chủ trương đầu tư và mới có dự án (dự án có sau) để đăng ký kế hoạch...”, ông Dũng nói.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng Bộ trưởng đổ lỗi cho luật Đầu tư công mới triển khai là không thuyết phục.
Còn cán bộ năng lực yếu kém, nhũng nhiễu
Giải trình thêm với QH về các vấn đề liên quan đến giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, dù nguyên nhân khách quan hay chủ quan hay xảy ra ở đâu, bộ, ngành nào, địa phương nào thì Chính phủ vẫn nhận trách nhiệm với QH để hứa sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới.
Đối với vấn đề đầu tư công còn dàn trải, chưa hiệu quả, theo Phó thủ tướng có nhiều nguyên nhân, nhưng đáng chú ý là nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong việc rà soát cắt giảm.
“Các bộ ngành giằng xé rất nhiều các lựa chọn, có tình trạng việc nào cũng muốn, nên việc cắt giảm của các dự án rất khó khăn, thực tế đã rất mất công trong việc rà soát để cắt giảm”, ông Vương Đình Huệ dẫn thực tế.
Phó thủ tướng cũng chỉ rõ, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa địa phương với các địa phương vẫn còn là một khâu yếu kém.
“Chúng tôi cho rằng không thể biện minh hay chối cãi việc này, các bộ ở T.Ư với nhau hay trong nội bộ từng bộ, rồi giữa bộ, ngành với địa phương... một bộ phận cán bộ, công chức chưa đề cao trách nhiệm, còn nhũng nhiễu, yếu kém năng lực nhưng chưa được các tư lệnh ngành, lãnh đạo địa phương thay thế kịp thời và xử lý nghiêm”, Phó thủ tướng bày tỏ.