Xử lý nợ xấu: Cửa thông nhưng vẫn thiếu

Sau Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 19/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định mua, bán, xử lý nợ xấu Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và Thông tư 20/2013/TT-NHNN (TT20) quy định về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt (TPĐB) của VAMC đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý để VAMC tiến hành xử lý nợ xấu một cách triệt để hơn. Song dù có nhiều cơ sở pháp lý nhưng NH vẫn chưa có động thái gì, còn các chuyên gia cho rằng vẫn cần khung pháp lý để vận hành thị trường mua bán nợ theo đặc thù của Việt Nam.

Sau Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 19/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định mua, bán, xử lý nợ xấu Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và Thông tư 20/2013/TT-NHNN (TT20) quy định về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt (TPĐB) của VAMC đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý để VAMC tiến hành xử lý nợ xấu một cách triệt để hơn. Song dù có nhiều cơ sở pháp lý nhưng NH vẫn chưa có động thái gì, còn các chuyên gia cho rằng vẫn cần khung pháp lý để vận hành thị trường mua bán nợ theo đặc thù của Việt Nam.

Tốt khoe xấu che

Hồi tháng 7, VAMC ra đời với kỳ vọng sẽ xử lý được khối nợ xấu tồn đọng tại các NH. Tuy nhiên, sự xuất hiện của VAMC đã khiến nợ xấu của các NH đột ngột giảm mạnh xuống dưới 3% và số lượng NH thuộc diện phải bán nợ cho VAMC cũng giảm theo.

Trong hơn 15 NH công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013, hiện chỉ có 3 NHTMCP công bố nợ xấu trên 3% là Techcombank với tỷ lệ nợ xấu là 5,28%, SHB  9,04% và Navibank 6,1%.

Đặc thù bất động sản Việt Nam có chi phí “chìm” rất cao, khó hạch toán. Khi bán nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản, người bán muốn giá cao, người mua muốn giá thấp. Để định giá khối tài sản này, các doanh nghiệp và NH có thể ngồi lại thỏa thuận, nhưng thực tế giá cả đang được điều chỉnh theo mức độ khó khăn của thị trường, nhu cầu thật của người bán đến đâu và nhu cầu thật của người mua đến đâu.

TS. Võ Trí Thành,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương

Theo các chuyên gia, số liệu nợ xấu các NH đã công bố chưa phản ánh được sự thật, do hiện nay tâm lý chung của các NH vẫn chưa muốn bán nợ cho VAMC. Chẳng hạn dù NH thông báo nợ xấu dưới 3%, nhưng nhìn vào số liệu cụ thể như BIDV đang có 9.400 tỷ đồng nợ xấu, VietinBank 7.027 tỷ đồng và Vietcombank đến 6.668  tỷ đồng.

Tổng nợ xấu của 3 NH này đạt đến 23.100 tỷ đồng, con số này xấp xỉ tổng lợi nhuận của cả hệ thống NH trong nửa đầu năm và cao hơn tổng nợ xấu của 6 NHTMCP lớn nằm ở nhóm sau.

Trong khi số liệu nợ xấu của các NH giảm mạnh thì thông tin từ NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 5-2013 nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 4,65%, đến cuối tháng 6-2013 là 4,46% và đến cuối tháng 7 tổng nợ xấu của toàn hệ thống  là 138.980 tỷ đồng, chiếm 4,58%.

Đồng thời NHNN cho biết dù kinh tế vĩ mô năm 2013 đã có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nên nợ xấu thời gian qua vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng mạnh… Khảo sát của Vụ Dự báo thống kê tiền tệ (NHNN) mới đây công bố, 30/124 TCTD tham gia khảo sát khai báo tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3%; trên 50% TCTD dự kiến tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2013 sẽ không đổi hoặc tăng so với cuối năm 2012.

Điều này cho thấy, các NH đang cố ẩn đi nợ xấu thực tế, bởi khi nợ xấu còn trong khả năng xử lý NH có toàn quyền giải quyết, nhưng một khi đã bán cho VAMC, NH sẽ không còn quyền quyết định. Song song đó, nếu nợ xấu thấp, các NHTM cũng sẽ giảm được chi phí trích lập dự phòng rủi ro, giúp lợi nhuận cao hơn.

Chọn cái tốt trong sổ nợ xấu

Thời gian qua, khi nói về VAMC, một số NH đã bày tỏ ý định sẽ bán nợ xấu cho tổ chức này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thương vụ nào được tiến hành.

Theo tổng giám đốc một NHTMCP tại TPHCM, dù đã có cơ sở pháp lý để vận hành VAMC, hay thông tư mới ban hành đã gỡ bỏ quy định nợ xấu phải có ít nhất 65% tài sản đảm bảo là bất động sản, nhưng thực tế nếu có mua VAMC cũng chỉ mua nợ tốt trong nhóm nợ xấu của các NH, trong khi đó với nhóm nợ này các NH có thể tự xử lý được. Còn khoản nợ nhóm 3, 4, 5 khó có khả năng đòi được, các NH muốn bán sẽ khó rơi vào “tầm ngắm” của VAMC.

Khách hàng giao dịch tại Techcombank. Ảnh: LONG THANH

Khách hàng giao dịch tại Techcombank. Ảnh: LONG THANH

Do hình thức bán nợ xấu còn mới mẻ, chưa có NH nào thực hiện nên các NH đang còn chờ đợi một thương vụ thử nghiệm xem hiệu quả đến đâu, quá trình soát xét số liệu thế nào, việc mua bán nợ có ảnh hưởng đến hoạt động của các NH hay không…

Hơn nữa, các NH cũng suy tính vì dù TPĐB được tái cấp vốn tối đa lên tới 70% nhưng không biết được tái cấp vốn ở mức tối đa hay không, có thiệt thòi, vì khi tham gia NH sẽ “nắm đằng chuôi” trong khi vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho các khoản nợ để giảm trừ giá trị cho TPĐB.

Đồng thời, các NH lại đang thừa vốn, không cho vay ra được chứ không “khát vốn” nên việc tái cấp vốn cũng không có nhiều ý nghĩa. Hàng loạt vấn đề đặt ra như vậy đã dẫn đến sự e ngại, cộng với việc Thông tư 02 đã được dời đến tháng 6-2014 mới áp dụng, nên chỉ những NH cảm thấy rất khó khăn trong việc xử lý nợ xấu mới tính đến chuyện bán nợ.

Thiếu hành lang thu hồi nợ

Về vấn đề thu hồi khoản nợ đã mua, VAMC cũng kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường để mua lại nợ xấu. Một khảo sát mới đây của Công ty Kiểm toán và tư vấn Grant Thornton, khoảng 60% các quỹ đầu tư nước ngoài được khảo sát cho biết họ quan tâm tới việc mua bán tài sản nợ xấu tại Việt Nam.

Đại diện Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng cho biết, thời gian gần đây khá nhiều quỹ đầu tư, NH nước ngoài đã vào Việt Nam tìm hiểu việc mua bán nợ xấu, thậm chí nhiều nhà đầu tư cho biết họ sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD để mua nợ xấu.

Song nói thì dễ, nhưng hiện nay thị trường mua bán nợ đang gặp nhiều rào cản. Thứ nhất là sự thiếu minh bạch về thông tin nợ xấu của các NH, thứ hai là thủ tục hành chính của nước ta còn quá rườm rà, phức tạp và các đối tác Việt Nam chưa sẵn sàng để hợp tác.

Đặc biệt hệ thống pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chưa đầy đủ, khung pháp lý cho nhà đầu tư mua nợ xấu có thể thanh lý được đối với tài sản đảm bảo là bất động sản vẫn chưa rõ ràng.

Hiện nay, các NH lớn hay nhỏ, hoạt động tốt hay không đều muốn giấu nợ xấu bởi sợ ảnh hưởng đến uy tín trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và phải chạy đua tăng trưởng tín dụng để đảm bảo mức lợi nhuận cả năm.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, khi nhắc đến bất động sản, nhiều câu hỏi đặt ra là giá bất động sản đang ở mức nào, đã đến đáy chưa và định giá như thế nào?

Điều này rất khó xác định bởi khu vực bất động sản Việt Nam có những đặc thù riêng, giá cả tùy thuộc vào mức độ kỳ vọng của thị trường, sự hỗ trợ Nhà nước và sự phục hồi của nền kinh tế đến đâu. Ngoài ra, giá cả bất động sản còn phụ thuộc vào từng dự án trong giao dịch mua bán cụ thể.

Trước đây, khi cho vay, NH đã đánh giá cao quá mức để cho vay, nhưng hiện nay nhu cầu thật đã giảm xuống nên việc định giá tài sản đảm bảo cũng có phần thiệt thòi cho NHTM. Trong khi đó, Việt Nam lại thiếu những công ty định giá đủ khả năng thẩm định một cách khách quan nên cũng khó định đoạt giá trị chính xác tài sản đảm bảo của nợ xấu.

Do vậy, quá trình thương lượng giữa NHTM và VAMC cũng như giữa VAMC và đối tác mua nợ sẽ gặp không ít khó khăn. Vấn đề đặt ra hiện nay là bên cạnh cơ sở pháp lý để mua nợ xấu, VAMC cần được xây dựng và phát triển khung pháp lý, phát triển thị trường sơ cấp, thứ cấp cùng với hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách vĩ mô tạo hành lang cho thị trường mua bán nợ vận hành suôn sẻ như những thị trường khác, để dễ dàng thu hồi các khoản nợ đã mua.

Các tin khác