Xử nghiêm việc gian lận

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình vừa chỉ đạo khẩn trương hoàn tất hồ sơ để ra quyết định thu hồi căn hộ dành cho người thu nhập thấp (CHDCNTNT) vừa bị bán lại; và kiên quyết thu hồi các CHDCNTNT mà người mua không dọn đến ở.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình vừa chỉ đạo khẩn trương hoàn tất hồ sơ để ra quyết định thu hồi căn hộ dành cho người thu nhập thấp (CHDCNTNT) vừa bị bán lại; và kiên quyết thu hồi các CHDCNTNT mà người mua không dọn đến ở.

Khu chung cư CT Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông.

Khu chung cư CT Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông.

Cách xử lý kiên quyết như vậy được đưa ra ngay sau khi cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội phát hiện vụ bà Cao Thị Loan bán chui CHDCNTNT tại tòa nhà CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông. Được biết, bà Loan đã được xét bán căn hộ số 1702, diện tích 63,33m2 với giá gốc 600 triệu đồng.

Nhưng rồi bà Loan đã không dọn đến ở, mà bán sang tay căn hộ này cho bà Nguyễn Thị Thanh Tâm với giá 1,1 tỷ đồng. Trước đó, căn hộ này đã được rao bán trên mạng. Đáng chú ý, trong hồ sơ nộp cho chủ đầu tư, bà Loan khai gia đình gồm 5 người, mức thu nhập bình quân 1,7 triệu đồng/tháng, nơi ở và đăng ký hộ khẩu thường trú tại 59 Đỗ Thuận, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng.

UBND phường Cầu Dền xác nhận bà Loan chưa có nhà thuộc sở hữu. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã phát hiện hộ bà Loan đã chuyển về phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) và đã có nhà ở cố định ở đây. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, rất nhiều hộ giữ hộ khẩu ở một nơi nhưng có nhà ở cố định ở một nơi khác, vẫn nộp đơn xin mua CHDCNTNT. Nếu cán bộ phường không cẩn trọng, rất dễ xác định sai đối tượng và chứng nhận sai sự thật.

Theo Vinaconex Xuân Mai, trong tổng số 328 CHDCNTNT đã bán ở dự án này, đã có 308 căn hộ có người đến nhận bàn giao nhà, nhưng mới có 40% số căn hộ có người dọn tới ở, 60% số căn hộ còn lại vẫn khóa cửa bỏ không. Có rất nhiều lý do giải thích cho sự chậm trễ này, như nhiều hộ chưa thể đóng đủ số tiền, nhiều hộ cho biết còn chờ con cái xong năm học mới có thể chuyển nhà, chuyển trường.

Cũng không loại trừ những trường hợp không có nhu cầu ở vẫn mua. Theo ông Phí Thái Bình, đây là điều khó có thể chấp nhận được, bởi đã là người khó khăn về nhà ở thì chỉ mong sao có được nhà để dọn đến. Trong trường hợp căn hộ cứ khóa trái tháng này qua tháng khác, chắc chắn chủ nhân không thực sự có nhu cầu bức xúc về nhà ở.

UBND TP yêu cầu chủ đầu tư phải thông báo tới những người mua căn hộ, chậm nhất đến 15-6 tới, phải đến nhận bàn giao, nếu không sẽ hủy hợp đồng, thu hồi căn hộ. Sau thời gian nhận căn hộ 3 tháng, nếu người mua vẫn bỏ hoang, chủ đầu tư có thể xem xét hủy hợp đồng.

Trên thực tế, có những người không thực sự khó khăn về nhà ở nhưng vẫn đăng ký mua CHDCNTNT để bán sang tay kiếm tiền chênh lệch. Do vậy, kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm để ngăn chặn hành vi trục lợi từ chính sách xã hội là việc cần thiết.

Còn nhớ, khi xét bán CHDCNTNT tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) của Vinaconex Xuân Mai, dư luận đã rất bức xúc khi chứng kiến những người đến đăng ký mua đậu dãy ô tô rất dài. Rõ ràng cần có biện pháp chế tài mạnh tay, thậm chí có thể xử lý hình sự đối với những trường hợp gian lận.

UBND TP Hà Nội cho biết sắp tới sẽ phối hợp với cơ quan công an tiếp tục điều tra toàn bộ trường hợp mua CHDCNTNT tại dự án Ngô Thì Nhậm để phát hiện sai phạm.

Các tin khác