Xuân về trên đảo Thạnh An

(ĐTTCO)-Chúng tôi đến xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) vào một ngày giáp tết. Những chiếc nồi lớn đã để sẵn chờ nấu bánh chưng. Những chậu mai, tranh thư pháp được bà con trang trọng đặt trước cửa nhà. 
Giáo viên Trường THCS-THPT Thạnh An với các hoạt động mừng xuân
Giáo viên Trường THCS-THPT Thạnh An với các hoạt động mừng xuân

Năm nay, hầu hết người dân không về đất liền mà ở lại đảo đón tết. Không khí xuân tràn ngập khắp nơi, hớn hở theo tiếng hò reo của bọn trẻ.

Ấm áp tình thân

Trò chuyện với chúng tôi, chị Đinh Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THCS-THPT Thạnh An, cho biết chị quê gốc ở Quảng Bình nhưng sau 2 năm sống và công tác trên đảo, bà con ở đây thương và xem như con cháu trong nhà. Những ngày giáp tết, mọi người chia sẻ với nhau từng lọ bánh mứt, dưa cà.

Cách đó vài bước chân là gia đình chị Nguyễn Thị Châu Phi, giáo viên Trường Mầm non Thạnh An, có “thâm niên” sống trên đảo nhiều năm liền. Chị Châu Phi cho biết, trước đây thu nhập hàng tháng của người dân còn khiêm tốn, nhiều gia đình không dám nghĩ đến việc về đất liền mua sắm trước tết. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, đời sống đã khá hơn.

“Riêng giáo viên tụi tui năm nào cũng được Công đoàn ngành giáo dục TPHCM quan tâm, trao tặng những phần quà đậm ân tình. Nhờ đó có thêm tiền mua sữa cho con cũng như ít bánh mứt để cả nhà đón tết”, chị Châu Phi tâm sự. 

Hoàn cảnh đặc biệt hơn là trường hợp của chú Bùi Văn Út, nhân viên bảo vệ Trường Mầm non Thạnh An. Hai vợ chồng ly dị, con cái đều làm ăn xa, nhiều năm qua, chú Út phải sống một mình trong căn nhà nhỏ ở cuối đảo. Thu nhập hàng tháng khoảng 5,6 triệu đồng, chú không dám tiêu xài phung phí mà luôn để dành phòng bất trắc khi về già.

Người đàn ông với nước da đen nhẻm, vẻ mặt trầm ngâm cho biết: “Tôi làm bảo vệ ở trường mầm non được 20 năm rồi. Năm nào cũng đón tết ở trường học do bảo vệ phải trực theo ca. Tuy giao thừa có hơi buồn nhưng sáng mùng một ra đứng ở cổng trường có thể bắt tay, mừng tuổi các cháu nhỏ sống gần trường cũng vui rồi”.

Trường hợp khác, anh Hồ Văn Vạn, kế toán Trường Tiểu học Thạnh An, có nhà ở thị trấn Cần Thạnh (trung tâm huyện Cần Giờ) nhưng tết năm nào cũng ở lại trên đảo đón tết với bà con. Anh Vạn trải lòng, bản thân chưa có vợ con, một bên chân phải yếu do di chứng cơn sốt bại liệt lúc nhỏ, mỗi khi di chuyển đều cần sự hỗ trợ của gậy. Nhiều năm trước đây, anh làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân, đồng lương dư dả nhưng nhiều áp lực. Từ khi chuyển công tác về trường tiểu học, học sinh và đồng nghiệp trong trường trở thành gia đình thứ hai của anh.

“Tình cảm gắn bó giữa những người dân trên đảo là liều thuốc tinh thần vô giá, khiến cuộc sống của tôi thay đổi theo hướng tích cực và sống có ích hơn”, anh Vạn cho biết.

Đón người thân trở về

Chia sẻ với chúng tôi, cô Lê Thị Giao Linh, nhân viên phục vụ Trường Mầm non Thạnh An, cho biết hầu hết các gia đình sống trên xã đảo đều có chồng đi biển, vợ ở nhà đan lưới, buôn bán nhỏ hoặc làm giáo viên, nhân viên trong các trường học.

Gia đình cô Giao Linh cũng không ngoại lệ. Năm nay, nhờ có phần quà hỗ trợ của Công đoàn ngành giáo dục TP, hai đứa con của cô, trong đó một đứa năm nay lên lớp 7, một đứa đang học lớp 1, được mẹ hứa sắm sửa thêm quần áo mới và vài loại sách vở. “Ba mẹ con sẽ ở nhà dọn dẹp, trang trí nhà cửa, nấu ít mâm cỗ chờ ba sắp nhỏ đi biển trở về là cả nhà có thể quây quần đón tết”. 

Cùng niềm vui đó, chị Trần Thị Mỹ Hòa, nhân viên văn thư Trường Tiểu học Thạnh An, kể rằng chồng đi biển đến 28 tết mới về nên ở nhà một tay chị mua sắm quần áo cho các con, tranh thủ mấy ngày nghỉ làm trước tết để muối củ kiệu, dưa hành. Chị Hòa bày tỏ, thưởng tết năm nay ở trường của chị cao hơn năm ngoái. Nhờ vậy, mâm cỗ ngày tết của gia đình sẽ đầy đủ hơn, vợ chồng, con cái quây quần ấm áp.

Hiện nay, việc buôn bán giữa người dân trên đảo Thạnh An với đất liền đã phát triển hơn. Ngày nào cũng có 3 - 4 chuyến tàu chở nhu yếu phẩm từ trung tâm huyện Cần Giờ đến mua bán, trao đổi đặc sản gồm cá khô, hàu tươi với người dân trên xã đảo.

Ngoài ra, nhờ sự phát triển của du lịch nên ngày càng có nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống và mua sắm đặc sản ở xã đảo duy nhất của TPHCM, giúp đời sống bà con nhộn nhịp và sung túc hơn trước.

Các tin khác