Tại Nam bộ, theo cập nhật dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, trong ngày 12-5, nhiều nơi đã có nắng nóng 35-370C như Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương)…
Hiện tượng mây ngũ sắc trên bầu trời TPHCM chiều 12-5. Ảnh: SANDY TRANG
Từ sau ngày 15-5, nắng nóng ở Nam bộ kết thúc. Nhiều trung tâm dự báo khí tượng quốc tế theo dõi thời tiết khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng nhận định, các dữ liệu khí tượng và mô hình đều cho thấy, từ giữa tháng 5, tần suất mưa ở Nam bộ tăng dần do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần.
Trong khi đó tại Hà Nội và nhiều nơi ở miền Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang… đã có trận mưa rào to đến rất to sau một ngày nắng nóng. Nhiều nơi, người dân phấn khởi khi có mưa rào, không khí nhanh chóng dịu mát trở lại. Theo các chuyên gia khí tượng, đợt mưa ở miền Bắc là do có một sóng lạnh yếu ở phía Bắc nén rãnh thấp về phía Nam, gây mưa.
Trước đó, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia dự báo, mưa sẽ bắt đầu từ đêm 11 đến ngày 12-5 ở miền Bắc và Bắc Trung bộ. Nhưng theo các chuyên gia khí tượng, dự báo này không chính xác do rãnh thấp di chuyển chậm hơn dự báo khoảng gần 1 ngày, nên ngày 12-5, miền Bắc và miền Trung vẫn nắng nóng, đến chiều và tối 12-5 mới mưa.
Các chuyên gia khí tượng dự báo, ngày 13-5, mưa tiếp tục duy trì ở miền Bắc và Bắc Trung bộ. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cũng cập nhật lại dự báo như sau: Từ chiều tối 12-5 đến sáng 13-5, ở khu vực Bắc bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to trên 90mm.
Từ chiều tối 12-5 đến tối 13-5, ở khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to trên 100mm. Dự báo ngày 13 và 14-5, Nam bộ tiếp tục nắng nóng 35-370C. Khu vực từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ 350C.
Về hiện tượng nêu trên, một chuyên gia không thuộc hệ thống của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, hiện tượng mây như ở TPHCM chiều 12-5 được gọi là hiện tượng mây "lưỡi trai”. Hiện tượng này xuất hiện khá thường xuyên ở miền Bắc và miền Trung vào các mùa hè nắng nóng nhưng tại TPHCM có điểm khác hơn là có nhiều màu sắc, giống như ngũ sắc.
“Hiện tượng này được tạo nên khi mặt trời bị khuất đằng sau đám mây dày đó, nhưng ánh nắng lại bị tán xạ bởi hơi băng. Hiện tượng tán xạ giống như phương thức hình thành cầu vồng sau cơn mưa”, chuyên gia này giải thích.
Còn theo chuyên gia thời tiết và biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy, giảng dạy chương trình thạc sĩ biến đổi khí hậu tại Đại học Việt-Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện tượng mây ngũ sắc chiều nay trên bầu trời phía Tây của TPHCM là dấu hiệu của một cơn mưa dông cục bộ phía Tây chứ không có màu sắc tâm linh và cũng không liên quan đến hiện tượng bão địa từ.