Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục trong 8 tháng

(ĐTTCO)- Xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua đạt gần 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng tới 20% so cùng kỳ và hoàn thành 89% kế hoạch cả năm.
Xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua đạt gần 6 triệu tấn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua đạt gần 6 triệu tấn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Đây là dữ liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan. Mức xuất khẩu gạo đã đưa kim ngạch xuất khẩu gạo 8 tháng qua lên gần 3,2 tỷ USD, tăng hơn 34% về giá trị.

Trong số các thị trường nhập khẩu, Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Gana... là những quốc gia nhập gạo Việt Nam nhiều nhất, với mức tăng trưởng có thị trường đến hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 4 tháng cuối năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ số lượng đơn hàng hàng tốt từ nhiều thị trường mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại nguồn cung không đủ đáp ứng, do nhu cầu ở nhiều nước trên thế giới tăng đột biến.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ghi nhận giá gạo tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu quay đầu giảm nhiều ngày qua, giá lúa gạo trong nước vẫn tăng cao. Hiện giá gạo trong nước cao hơn giá xuất khẩu 5 - 7%, tương đương 660 - 680 USD một tấn với loại 5% tấm.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nói riêng, khu vực châu Á nói chung sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới trong bối cảnh tình trạng căng thẳng nguồn cung gạo vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong nước đã gần kết thúc vụ Hè Thu, nhưng vụ Thu Đông cũng sẽ cho thu hoạch sớm nên năm nay sản lượng lúa gạo sản xuất chắc chắn đạt mục tiêu đề ra 43 triệu tấn. Thế giới đang thiếu nguồn cung, nhưng hàng trong nước luôn đảm bảo đầy đủ để giá gạo nội địa không tăng phi mã như cơn sốt giá gạo lịch sư hồi năm 2008.

Các tin khác