Xuất khẩu gạo thuận lợi trong ngắn hạn

Sau kỳ 1 “Nỗi buồn cường quốc lúa gạo” của loạt bài “Nông dân tự bơi - đổ nợ” đăng số báo trước (ngày 26-6-2014), ĐTTC đã nhận được bài viết của chuyên gia lúa gạo Nguyễn Đình Bích phân tích những khó khăn các quốc gia xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt. Tòa soạn trích đăng bài viết này.

Sau kỳ 1 “Nỗi buồn cường quốc lúa gạo” của loạt bài “Nông dân tự bơi - đổ nợ” đăng số báo trước (ngày 26-6-2014), ĐTTC đã nhận được bài viết của chuyên gia lúa gạo Nguyễn Đình Bích phân tích những khó khăn các quốc gia xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt. Tòa soạn trích đăng bài viết này.

Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia xuất khẩu gạo đang tiếp tục đối mặt với khó khăn, ít nhất cho tới cuối năm nay và đây là năm thứ ba khó khăn liên tiếp. Số liệu thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy sau khi đạt 232 điểm phần trăm (ĐPT) vào năm 2011, chỉ số giá gạo trắng chất lượng thấp trên thị trường thế giới đã liên tiếp giảm trong 2 năm vừa qua và 5 tháng đầu năm nay ở mức đáy 208 ĐPT. Ở nhóm gạo Indica chất lượng thấp, tình hình còn tồi tệ hơn rất nhiều, bởi 2 chỉ số tương ứng là 250 và 198 ĐPT.

Dự báo hồi giữa tháng 6 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết 2014 sẽ là năm thứ tư liên tiếp được mùa, sản lượng gạo thế giới tăng khá. Xuất nhập khẩu gạo thế giới cũng sẽ lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 40 triệu tấn, tăng tới 1,7 triệu tấn (4,4%). Dự trữ gạo thế giới vào cuối năm nay sẽ đạt 112,1 triệu tấn, tăng 1,9 triệu tấn  (1,7%) và đây cũng đã là năm thứ bảy dự trữ gạo thế giới tăng. Liên tiếp được mùa, giá gạo thế giới sẽ tiếp tục giảm. Và như vậy khó khăn sẽ tiếp tục nghiêng về phía các quốc gia xuất khẩu. Điều thể hiện ở việc 2 cường quốc xuất khẩu gạo số 1 và số 2 thế giới Ấn Độ và Thái Lan trong tuần qua đã phát tín hiệu giãn tiến độ xuất khẩu, đồng nghĩa với việc thúc đẩy các quốc gia có nhu cầu đẩy nhanh nhập khẩu nên cũng có tác dụng đẩy giá gạo nhích lên.

Tính đến nay các doanh nghiệp trong nước đã thu mua tạm trữ đạt trên 70% kế hoạch đề ra. Với giá lúa gạo hiện nay, nông dân có lợi nhuận rất ít, nhưng trong tình cảnh bế tắc thị trường xuất khẩu, đây vẫn là tín hiệu tốt. Việc xuất khẩu tiểu ngạch sẽ vẫn khuyến khích để có thể tiêu thụ lúa thu hoạch và giá tăng sẽ có lợi cho nông dân.

Trong “rổ gạo xuất khẩu” 40,7 triệu tấn năm 2014, Ấn Độ được dự báo vẫn giữ vững vị trí cường quốc số 1 với 10 triệu tấn, thậm chí Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ còn đưa ra con số kỷ lục 11 triệu tấn. Đáng lưu ý trong tuần qua, Chính phủ nước này đã quyết định phát hành khẩn cấp 5 triệu tấn gạo dự trữ ra thị trường mở, một quyết định chưa từng có từ năm 2008 trở lại đây.

Nguyên nhân được cho giá lúa gạo của Ấn Độ đã tăng mạnh từ tháng 5 đến nay, khiến lạm phát càng trở nên gay gắt. Sức ép của El’ Nino đang nhanh chóng bao trùm đất nước có diện tích lúa lớn nhất thế giới, nhưng hệ thống thủy lợi lại rất bất cập. Trong khi các nước phương Tây đã sớm cảnh báo khả năng El’ Nino sẽ trở lại, người đứng đầu cơ quan dự báo thời tiết của Ấn Độ vẫn phủ nhận đó chỉ là những tin đồn nhằm lũng đoạn thị trường và yêu cầu các thương nhân không được tích trữ lương thực. Rốt cuộc, khả năng El’ Nino xuất hiện đã được chính cơ quan này của Ấn Độ xác nhận. Các thông tin từ Ấn độ cho biết, lượng mưa đầu mùa ở nước này đã bắt đầu thiếu hụt và diện tích gieo trồng lúa đã rơi tự do. 

Lịch sử cho thấy, El’ Nino chính là khắc tinh của nền nông nghiệp lúa nước Ấn Độ. Liệu El’ Nino lần này có xoay chuyển cục diện thị trường lúa gạo Ấn Độ và thế giới như các năm 2002 và 2004, hay lượng mưa cuối mùa vẫn còn kịp giúp nền nông nghiệp lúa nước Ấn Độ và thị trường gạo thế giới thoát hiểm giống như kịch bản năm 2012, tất cả vẫn đang ở phía trước. El’ Nino đã đẩy giá lúa gạo trong nước của Ấn Độ tăng mạnh, nên cũng sẽ đẩy giá gạo xuất khẩu vốn đã cao của nước này tăng thêm, khả năng có xuất khẩu được 10-11 triệu tấn gạo hay không đang là vấn đề để bỏ ngỏ.

Tại Thái Lan, sau chưa đầy 1 tháng nắm quyền, giới quân sự nước này đã hoàn tất việc trả khoản nợ khổng lồ gần 3 tỷ USD cho 800.000 hộ nông dân. Điều này đồng nghĩa với việc đã có thể chấm dứt việc bán gạo dự trữ với bất cứ giá nào của Chính phủ tạm quyền như đã tuyên bố. Tiếp theo, trước cáo buộc về việc mất tích gần 3 triệu tấn gạo dự trữ của Chính phủ, lệnh ngừng xuất hàng đã được ban bố, hơn 100 đội liên ngành được thành lập để kiểm tra tình hình dự trữ gạo thực tế tại hơn 1.800 kho rải khắp đất nước.

Việc giá chào xuất khẩu gạo của Thái Lan biến mất khỏi các trang báo giá gạo thế giới từ cuối tuần qua, nếu không phải là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu gạo thế giới trong mấy thập niên qua, ít nhất cũng là chuyện cực hiếm. Cuối cùng, lo ngại của 1,82 triệu lao động nhập cư bất hợp pháp vào Thái Lan khi quân đội lên nắm quyền cũng đẩy hệ thống xuất khẩu gạo của nước này vào tình trạng thiếu lao động gay gắt.

Theo đánh giá của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, các yếu tố nói trên sẽ đẩy giá gạo xuất khẩu của nước này tăng 20USD/tấn trong vòng 2 tháng. Sự cộng hưởng của những diễn biến cùng chiều nói trên ở Ấn Độ và Thái Lan chắc chắn sẽ là nguồn động lực thúc đẩy các quốc gia có nhu cầu nhanh chóng tăng nhập khẩu, trước khi giá gạo tăng thêm, thay vì giãn tiến độ, chờ cho giá giảm thêm.

Tồn kho gạo thế giới đang ở mức rất cao, gần như có thể loại trừ khả năng sốt nóng giá gạo thế giới trong thời gian tới. Trong bối cảnh “nước lên” này, nếu bắt nhịp được thị trường thế giới, hy vọng “thuyền của ta cũng lên”, kéo theo đó là giá lúa hè - thu ở ĐBSCL đang chuẩn bị bước vào thu hoạch rộ sẽ thoát khỏi cảnh rơi tự do.

Các tin khác