Cần tăng cường liên kết
Năm 2017, giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt mức kỷ lục 8 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2016. Với con số vừa đạt được trong bối cảnh ngành gỗ đang gặp một số các thách thức như khan hiếm gỗ nguyên liệu, sản xuất mamh mún nhỏ lẻ, thiếu liên kết, trong khi nhiều hộ “ngại” đăng ký kinh doanh.
Hiện Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đang kiến nghị ngành chức năng có riêng một số ưu đãi cho các làng nghề như vốn vay, có quy định riêng cũng như có một Hiệp hội đứng đầu quy tụ các làng nghề. Khi đó thị trường xuất khẩu cũng sẽ thuận lợi hơn để được mở rộng bởi có sự liên kết các đơn hàng lớn hay khó tính đều có thể đáp ứng được khi tận dụng được thế mạnh lẫn nhau.
Cùng một mẫu mã, cùng một loại gỗ nhưng vào tay người dân các làng nghề đồ gỗ, sản phẩm này sẽ tăng giá trị lên 20%. Nếu việc liên kết được thực hiện, giá trị gỗ Việt sẽ ngày càng được nâng tầm trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), hiện cả nước có 340 làng nghề sản xuất đồ gỗ. Nếu các làng nghề tận dụng được tối đa thế mạnh của nhau nhờ sự liên kết chặt chẽ, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 30% cả về giá trị và sản lượng.
Ông Đặng Việt Quang, chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ) cho rằng, sự tương tác giữa các hộ và các cơ quan quản lý rất hạn chế. Các tương tác chủ yếu tập trung vào các nhóm đối tượng là các hộ kinh doanh gỗ nguyên liệu và các doanh nghiệp, là các chủ thể có quy mô sản xuất kinh doanh lớn hơn nhiều so với quy mô của các hộ. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ chưa nhận được mối quan tâm của các cơ quan quản lý, bởi quy mô nhỏ lẻ và không có vai trò trong tạo nguồn thu cho ngân sách.
Đảm bảo nguồn cung gỗ “sạch”
Khảo sát mới đây tại 5 làng nghề gỗ vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy, có tới 74,5% số hộ được khảo sát không đăng ký kinh doanh.
Theo đánh giá của ông Đặng Việt Quang, các làng nghề gỗ này điển hình cho các làng có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ quý nhập khẩu, có rủi ro cao về tính pháp lý để sản xuất đồ gỗ có giá trị cao.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, truy xuất nguồn gốc sẽ là xu thế chung của toàn thế giới. Vì vậy, nếu các hộ trong làng nghề không rõ ràng trong kinh doanh, sản xuất sẽ hạn chế đến việc xuất khẩu. Với những hộ sử dụng trên 10 lao động trở lên thì phải đăng kí kinh doanh.
Những hộ tuân thủ pháp luật sẽ được người tiêu dùng tin tưởng mua bán và xuất khẩu dễ dàng hơn những hộ hoạt động phi chính thức, ông Hà lưu ý.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, đến nay, hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề còn mang đậm tính tự phát, chủ yếu chạy theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Ông Quyền cho rằng, các hộ làm nghề gỗ có hiểu biết hạn chế về tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu, các quy định về sử dụng lao động, vệ sinh an toàn lao động; quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ…
Chính thức hóa các hộ
Đặc biệt, giao dịch giữa các hộ trong làng, bao gồm giao dịch giữa hộ kinh doanh gỗ nguyên liệu và hộ sản xuất chế biến đồ gỗ, giữa các hộ sản xuất và người mua đồ gỗ sau chế biến là các “giao dịch miệng” và hầu như không có bất cứ bằng chứng pháp lý nào minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm sau chế biến.
Trước tình trạng trên, chuyên gia ngành gỗ cho rằng, lựa chọn chính sách tốt nhất cho các hộ tại các làng nghề gỗ hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, là hỗ trợ chính thức hóa các hộ này thông qua việc đăng ký kinh doanh. Chính thức hóa là cơ sở giúp các hộ đáp ứng được với các yêu cầu của hiệp định, bao gồm tuân thủ các quy định hiện hành về các khía cạnh như sử dụng nguyên liệu đầu vào, sử dụng lao động, các biện pháp bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, trước các hợp đồng xuất khẩu lớn, ngoài việc đảm bảo nguồn cung gỗ nguyên liệu, ông Nguyễn Hữu Thinh – Phó Chủ tịch Hội làng nghề Liên Hà còn bày tỏ lo lắng về việc thiếu thợ lành nghề.
Ông Thinh chia sẻ, hiện nay kiếm được thợ giỏi đã khó, giữ được chân họ còn khó hơn. Ngoài việc trả lương thỏa đáng, đôi khi chủ doanh nghiệp gỗ còn phải “nịnh” để mời họ làm việc lâu dài.