Mở rộng cổng B2B (Business To Business - mô hình kinh doanh thương mại điện tử, trong đó giao dịch trực tiếp giữa các DN với nhau) trong bối cảnh hiện nay đang trở thành công cụ xuất khẩu hữu ích cho các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Chào hàng online
Anh Thân Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Visimex, cho hay thời điểm mới thành lập công ty rất khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác nhập khẩu, một phần do kinh phí còn hạn hẹp.
“Chúng tôi thường tìm kiếm khách hàng thông qua gặp mặt trực tiếp, qua các hội chợ thương mại hay qua điện thoại và những giao dịch này khiến chúng tôi mất rất nhiều thời gian và chi phí” - anh Hùng chia sẻ.
![]() |
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ qua B2B |
Tuy nhiên, kể từ khi anh biết và đăng ký làm thành viên miễn phí trên sàn thương mại điện tử alibaba.com, công việc kinh doanh của công ty trở nên thuận tiện, hiệu quả hơn nhiều. 2 năm sau để tạo thêm niềm tin nơi đối tác nhập khẩu Visimex đã đăng ký thành viên Gold Supplier.
Từ đó, công ty nhận trung bình 200 đơn hỏi hàng/tháng và 10% trở thành đơn hàng thực. Và đến nay 80% doanh thu của công ty đến từ các đơn hàng online.
Theo khảo sát trên diện rộng của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, có 58% DN cho biết doanh thu qua kênh thương mại điện tử tăng lên, 5% giảm và 36% không thay đổi. Điều này cho thấy, thương mại điện tử tiếp tục mang lại hiệu quả cho phần lớn DN Việt Nam.
Cùng với đó, thống kê của sàn giao dịch thương mại điện tử B2B alibaba.com cũng cho ra kết quả đáng mừng: Cùng với những quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì Việt Nam hiện đang nằm trong top 10 quốc gia và khu vực có sản phẩm được quan tâm tìm kiếm nhiều nhất trên website này.
Theo đánh giá chung của nhiều DN có ứng dụng cổng B2B vào xuất khẩu, khi chào hàng online ranh giới giữa DN lớn và nhỏ không còn nữa. Alibaba.com hiện cũng đang là một trong những sàn giao dịch thương mại điện tử nước ngoài được DN Việt Nam rất ưa chuộng sử dụng.
Tính đến nay đã có hơn 200.000 DN Việt Nam tham gia chào hàng trên website này. Theo dự kiến, vào tháng 7 tới, một đoàn DN nước ngoài tới Việt Nam để thiết lập quan hệ làm ăn trong sự kiện “Open Sesame” được alibaba.com tổ chức tại TPHCM. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với DN xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.
Cùng với alibaba.com, hiện đã có thêm một sàn thương mại điện tử nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam là MFG.com (website giao dịch trực tuyến của Hoa Kỳ). Mục đích của MFG là cung cấp dịch vụ kết nối DN xuất nhập khẩu của Việt Nam với các khách hàng, chủ yếu từ Hoa Kỳ và châu Âu.
Có thể nói trong bối cảnh hiện nay thương mại điện tử đang được nhiều DN xuất khẩu lựa chọn do những ưu điểm như chi phí hợp lý, xóa nhòa khoảng cách không gian, thời gian.
Nhìn người, ngó ta
Những lợi ích DN xuất khẩu có thể có được thông qua thương mại điện tử đã quá rõ ràng. Song cũng còn nhiều hạn chế từ chính DN Việt Nam trong việc phát triển loại hình này. Cùng với đó là việc các DN phải cẩn trọng trong việc tìm kiếm đối tác để tránh gặp phải những “cú lừa ngoạn mục” từ nhà nhập khẩu nước ngoài.
Trong hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay khi có nhu cầu tìm người mua hay người bán, thương mại điện tử là phương tiện đầu tiên được hầu hết DN trên thế giới ứng dụng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), tại hội thảo diễn ra hồi đầu tháng 6, việc tìm kiếm thông tin của DN Việt Nam không dễ vì website còn sơ sài. Hiện chỉ có khoảng 30% DN Việt Nam có trang web. Trong khi giao dịch qua thương mại điện tử thì thông tin cụ thể, chính xác là hết sức quan trọng.
Cùng với nỗ lực cải thiện mình để các nhà nhập khẩu dễ dàng tìm kiếm hơn, DN Việt Nam cũng phải tự học cách kiểm tra thông tin đối tác để tránh bị lừa. “Chọn thương mại điện tử nhằm tiết kiệm chi phí nên việc cử nhân viên sang tận nơi xác nhận thông tin của nhà nhập khẩu là rất hiếm, nhất là với DN nhỏ như chúng tôi” - đại diện Công ty Làng Tre cho hay.
Đó cũng là tâm lý chung của nhiều DN khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Và cũng từ đó, nhiều DN đã phải nếm trái đắng. Chiêu thức lừa hết sức quen thuộc nhưng không ít DN đã mắc phải là nhà nhập khẩu sẽ thanh toán đầy đủ một vài đơn hàng nhỏ, khi DN tin tưởng sẽ nhập một lô hàng lớn rồi “bùng” luôn.
Chính vì thế, lời khuyên của anh Hùng là DN nên lựa chọn những sàn giao dịch có uy tín, có hệ thống kiểm tra nguồn khách hàng, sản phẩm… Như thế mới hạn chế được những hợp đồng lừa đảo cho DN.
Được mất trong kinh doanh là điều khó tránh khỏi, và dù còn những hạn chế nhưng thương mại điện tử vẫn đang là hình thức được Nhà nước khuyến khích.
Theo chủ chương của Chính phủ, trong giai đoạn 2012-2015, phấn đấu nâng cao chất lượng và lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam thông qua việc thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng thương mại điện tử… là những giải pháp tích cực thúc đẩy thương mại Việt Nam phát triển.