Xuất khẩu thanh long: Tắc đường bộ, chuyển sang đường biển

(ĐTTCO) - Chủ trì và phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An hợp lực để xúc tiến xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc qua đường biển.

Sáng 6-1, Bộ NN-PTNT và Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật cùng sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố đã tổ chức diễn đàn chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho trái thanh long xuất khẩu cũng như tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Theo thông tin của các địa phương ở Nam Trung bộ và ĐBSCL, hiện nay, thanh long đang bước vào vụ thu hoạch, sản lượng rất lớn. Trong đó riêng tại Bình Thuận, Long An và Tiền Giang có tới khoảng 300.000 tấn cần tìm đầu ra.

Xuất khẩu thanh long: Tắc đường bộ, chuyển sang đường biển ảnh 1Bình Thuận, Long An và Tiền Giang có tới khoảng 300.000 tấn thanh long cần tìm đầu ra

Lâu nay, hầu như thị trường tiêu thụ thanh long của Việt Nam là xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng hiện nay, nhiều cửa khẩu ở phía Bắc đã thông báo tạm dừng thông quan do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu để thực hiện chính sách “Zero Covid”. Chỉ còn một số cửa khẩu còn hoạt động nhưng chủ yếu thông quan hàng thô, hạn chế tối đa với mặt hàng tươi đông lạnh, thủy sản, nhất là trái cây.

Ngày 5-1, nhiều cửa khẩu lớn ở Lạng Sơn, Quảng Ninh đã có thông báo đề nghị các doanh nghiệp, chủ xe container ở khu vực phía Nam dừng hoặc hạn chế đưa hàng ra các cửa khẩu phía Bắc.

Mặc dù xuất khẩu đường bộ hiện nay gần như “tê liệt”, song theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu thanh long chủ lực của chúng ta trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, mã số vùng trồng để truy xuất…

Còn theo ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay để trái cây của Việt Nam (trong đó có thanh long) xuất qua Trung Quốc thuận lợi, không để ách tắc là các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần khắc phục được vấn đề có virus SARS-CoV-2 trên quả thanh long và các thùng hàng khi đưa sang Trung Quốc.

Xuất khẩu thanh long: Tắc đường bộ, chuyển sang đường biển ảnh 2Ông Đặng Đình Long - CEO của Công ty Logistics Mega A phát biểu qua kênh trực tuyến

Tại diễn đàn, ông Đặng Đình Long - CEO của Công ty Logistics Mega A cho biết, hiện nay trái thanh long của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ khó khăn ở các cửa khẩu đường bộ, còn nếu xuất theo đường biển vẫn rất thuận lợi.

Song nan giải nhất hiện nay là các doanh nghiệp xuất khẩu đang thiếu vỏ container nghiêm trọng (nhất là container đông lạnh) để đưa thanh long sang Trung Quốc cũng như các thị trường khác qua đường biển. 

Ông Long đề xuất Bộ NN-PTNT cần kết nối với Bộ GTVT và các hiệp hội logictics để cùng ngồi lại với các hãng tàu của Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc… để “setup” một cách công khai về sản lượng thanh long cần gửi đi, cần làm rõ ràng với chủ hãng tàu có thể cung cấp bao nhiêu tàu một tuần, mỗi tàu có được bao nhiêu container… 

Chủ trì và phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An hợp lực để xúc tiến xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc qua đường biển.

Xuất khẩu thanh long: Tắc đường bộ, chuyển sang đường biển ảnh 3Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam kết luận chỉ đạo

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết ngay tại diễn đàn, đã tranh thủ liên hệ với lãnh đạo Bộ GTVT, thống nhất ngay tuần sau cùng vào làm việc với lãnh đạo cảng Cát Lái (TPHCM) để tháo gỡ khó khăn về tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu thiếu vỏ container để đi đường biển; đồng thời làm việc với Hiệp hội Logistics phía Nam để giải quyết khó khăn về logistics, giảm chi phí vận tải…

Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị cần thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa cho trái thanh long trong dịp Tết Nguyên đán này, kêu gọi các tập đoàn sở hữu các chuỗi bán lẻ cùng vào cuộc; các địa phương cũng cần chủ động tăng cường các cuộc kết nối thị trường, không trông đợi mỗi Bộ NN-PTNT. Đồng thời, cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Từ ngày 22 đến 25-1, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức một diễn đàn kết nối chuyên đề với các tham tán thương mại tại châu Âu để đẩy mạnh đưa nông sản Việt Nam sang châu Âu, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân, các nhà sản xuất có thể nắm được thị trường châu Âu hiện nay cần sản phẩm nào, yêu cầu chất lượng cụ thể ra sao...

“Phải giải quyết bằng được vấn đề xuất khẩu qua đường biển. Giải quyết được tôi mới về, chưa được chưa về” - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nói.

Các tin khác