Mặc dù ghi nhận tăng trưởng nhưng XK tôm của Việt Nam tính tới tháng 8 năm nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về nguồn cung nguyên liệu, cước phí vận chuyển, giá thành sản xuất tăng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ, EU chững trong bối cảnh lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế sụt giảm tại các nước này.
XK tôm trong tháng 8-2022 vẫn ghi nhận tăng trưởng hơn 40% là do thời điểm này của cùng kỳ năm ngoái, nhiều DN chế biến, XK phải dừng hoặc giảm công suất hoạt động do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
8 tháng đầu năm nay, trong cơ cấu các sản phẩm tôm XK của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 75%, tôm sú chiếm 14%, còn lại là tôm biển. XK tôm biển tăng mạnh nhất 78% trong khi XK tôm chân trắng và tôm sú tăng lần lượt 21% và 11%.
Mỹ vẫn là thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20%. XK tôm Việt Nam sang Mỹ bắt đầu chững từ tháng 5 và giảm liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 8. Tháng 8-2022, XK tôm sang Mỹ đạt hơn 68 triệu USD, giảm 27%. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, XK tôm sang Mỹ đạt hơn 619 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ.
NK tôm nói chung của Mỹ từ các nguồn cung cũng có xu hướng giảm sau khi tăng mạnh NK trong những tháng đầu năm nay.
Hàng tồn kho tại Mỹ đã đạt mức tối đa bởi những tháng đầu năm nhiều công ty tăng cường nhập hàng sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và cước tàu tăng cao. Tình hình bán hàng tại Mỹ cũng chậm nên các nhà nhập khẩu cũng chưa thực hiện nhiều các đơn hàng mới.
Lạm phát tại Mỹ, tỷ giá biến động, chi phí bán hàng tăng cao đã khiến hoạt động XK tôm của Việt Nam sang Mỹ những tháng gần đây gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các đối thủ lớn trên thị trường Mỹ như Ecuador và Ấn Độ vừa có lợi thế về cước tàu vì ở vị trí gần, vừa có tôm giá rẻ.
XK tôm sang Nhật Bản trong tháng 8 năm nay ghi nhận tăng trưởng 120% đạt hơn 67 triệu USD. Tính tới tháng 8 năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 463 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
XK tôm sang Nhật Bản có vẻ khả quan hơn so với thị trường Mỹ và EU do cước tàu thấp hơn. Nhật Bản chuộng các sản phẩm chế biến sâu từ Việt Nam trong khi các đối thủ Ecuador và Ấn Độ trên thị trường Nhật Bản không có được lợi thế này.