Xuất khẩu tôm cần nhiều cú 'bẻ lái' để về đích năm 2024

(ĐTTCO) - Dù những ngày đầu năm cũng đã có những tín hiệu lạc quan từ thị trường, nhưng năm 2024 được dự báo vẫn còn nhiều thách thức với ngành xuất khẩu tôm.

Tín hiệu lạc quan từ thị trường Trung Quốc có thể xem là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.
Tín hiệu lạc quan từ thị trường Trung Quốc có thể xem là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.

Năng lực cạnh tranh chưa cao

Được xem như một trong những ngành mũi nhọn của xuất khẩu, nhưng năm 2023 khép lại với con số không mấy lạc quan cho xuất khẩu tôm của Việt Nam, khi giá trị xuất khẩu chỉ đạt 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2022. Lạm phát tăng cao tại các thị trường trọng điểm (Mỹ, EU), được xem là nguyên nhân khiến nhu cầu nhập khẩu tôm của các thị trường này giảm mạnh.

Bên cạnh đó, sản lượng tôm toàn cầu tăng mạnh, sản xuất và xuất khẩu tôm của Ecuador tăng trưởng bùng nổ, đã gây dư cung và giá tôm thế giới giảm mạnh. Đây được xem là những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam sụt giảm trong năm 2023.

Chưa dừng lại, những tháng cuối năm 2023, Mỹ đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh, trong đó có tôm Việt Nam. Rồi kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm, xung đột Nga-Ukraine vẫn kéo dài, xung đột Israel - Hamas đang tiếp diễn, căng thẳng Biển Đỏ khiến cước vận tải biển tăng. Đây là những thách thức đặt ra cho ngành tôm Việt Nam năm 2024.

Theo VASEP, trong khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có thể “bẻ lái” về thị trường và sản phẩm xuất khẩu, từ đó biến thách thức thành cơ hội.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp nuôi trồng và xuất khẩu tôm Việt Nam. Năm 2023 tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm tôm giá trị gia tăng đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trụ vững.

Bởi người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến ngày càng được chú ý. Tuy nhiên, so sánh với Ecuador, ngành tôm Việt Nam đang có nhiều bất lợi, bởi Ecuador giá thành nuôi thấp do diện tích nuôi lớn, tập trung, tỷ lệ thành công lên tới trên 80%.

Trong khi đó tôm nuôi của Việt Nam có tỷ lệ thành công không cao, chất lượng giống thấp, giá thành sản xuất cao hơn từ 20-35% so với Ecuador do giá thức ăn, rồi giá điện và các chi phí đầu vào khác tăng cao. Do đó, năm 2024, các doanh nghiệp ngành tôm trong nước cần tập trung vào khâu nuôi nhiều hơn để tăng được sức cạnh tranh với các nước khác.

Theo tính toán của VASEP, chi phí thức ăn nuôi tôm chiếm 30-40% chi phí nuôi. Ngoài chi phí thức ăn, thì chi phí điện chiếm 10% chi phí nuôi tôm, đặc biệt đối với nuôi công nghệ cao. Trong khi giá điện nuôi tôm hiện nay được tính theo giá dịch vụ và theo nhiều mức giá khác nhau, nên ảnh hưởng đến giá thành tôm. Hiện nay VASEP xin kiến nghị tính điện 1 giá cho cơ sở nuôi tôm.

Khả quan từ thị trường Trung Quốc

Mới đây, trong chuyến công tác của Bộ NN-PTNT sang làm việc với Bộ Nông nghiệp-Nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), 2 bên đã thảo luận và thống nhất nhiều nội dung hợp tác song phương trên các lĩnh vực cụ thể, trong đó có trao đổi về mở cửa thị trường nông sản.

2 bên thống nhất, phía Trung Quốc sẽ khẩn trương hoàn thành rà soát pháp lý để trong thời gian sớm nhất ký 3 Nghị định thư, gồm Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, xuất khẩu cá sấu nuôi và xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc.

2 bên cũng thống nhất phối hợp xử lý vướng mắc trong xuất nhập khẩu cá tầm, tôm hùm bông theo cơ chế đặc biệt và sẽ đưa vào Nghị định thư giữa hai nước. Trong khi chờ đợi ký Nghị định thư, Trung Quốc sẽ xem xét, tạo cơ chế đặc biệt để các cơ sở đăng ký xuất khẩu tôm hùm sang nước này, đồng thời bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam. Hiện 2 bên đang phối hợp làm các thủ tục để dỡ bỏ lệnh cấm.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, những tín hiệu cuối năm 2023 cho thấy xuất khẩu thủy sản năm 2024 sẽ tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, mức độ phục hồi trong nửa đầu năm 2024 vẫn ở mức thấp, do nhu cầu thị trường chưa phục hồi chắc chắn và kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Đơn cử, việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này khó phục hồi mạnh. Hay tại thị trường Mỹ, dù nhu cầu nhập khẩu tăng, nhưng thủy sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của các nguồn cung cấp khác như tôm Ecuador và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, những bất ổn của thị trường logistics cũng là thách thức đối với xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng. Hiện cước tàu biển ở một số tuyến đã tăng mạnh do căng thẳng tại Biển Đỏ.

Hàng loạt hãng vận tải lớn như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí từ tháng 1-2024, do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

Đây sẽ là gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong đó có xuất khẩu tôm Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, tín hiệu lạc quan từ thị trường Trung Quốc có thể xem là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đối với thị trường tỷ dân này, với nhiều dư địa cũng như tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Ở khía cạnh khác, Trung Quốc cũng cần nguồn cung tôm từ Việt Nam khi bị giảm nguồn cung từ Ecuador, do vấn đề an ninh bất ổn tại đất nước Nam Mỹ này và do cả vấn đề vận tải biển khó khăn, chi phí tăng… Do vậy, Trung Quốc sẽ phải bù đắp nguồn cung từ Việt Nam và các nước châu Á khác.

Các tin khác