Vậy làm cách nào để đạt tăng trưởng xuất nhập khẩu khoảng 7-8% so với năm 2019 (trong đó riêng xuất khẩu cần đạt 300 tỷ USD) như mục tiêu đề ra, cũng như tháo gỡ các nút thắt về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), thủ tục xuất nhập khẩu? Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thành tích xuất nhập khẩu hàng hóa mà chúng ta đạt được trong năm vừa qua?
Bộ trưởng TRẦN TUẤN ANH: Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã cán mốc 517 tỷ USD. Đây là con số rất ấn tượng, cho thấy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thương mại quốc tế trong cơ cấu kinh tế Việt Nam. Cán cân thương mại ước thặng dư ở mức 9,94 tỷ USD, là năm thứ 4 liên tiếp có xuất siêu với mức thặng dư tăng đều qua các năm.
Kết quả này đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Nhìn lại thời điểm năm 2011, khi bắt đầu thực hiện “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030”, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta mới vừa vượt qua mốc 200 tỷ USD, trong đó nhập siêu là gần 10 tỷ USD và nhiều năm phải nhập siêu. Sau 8 năm, đến nay Việt Nam vươn lên thứ 26 trên thế giới về quy mô xuất khẩu và thứ 23 thế giới về quy mô nhập khẩu. Tăng trưởng cả giai đoạn lên tới 13%, Việt Nam vào tốp đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững.
-Theo bộ trưởng, đâu là lý do giúp các doanh nghiệp của chúng ta đạt được những kỳ tích đáng tự hào này?
-Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu năm 2019 thuận lợi do môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ ngành, tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực xuất nhập khẩu…, đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.
Trong năm qua, Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 12 FTA đi vào hiệu lực.
Hiện, chúng ta đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các hiệp định và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp C/O, áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ...
Kết quả ban đầu, thông qua số liệu thống kê cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do FTA đem lại. Tổng kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi chiếm khoảng 37% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Một số thị trường mới trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có mức tăng tốt ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, như Canada, Mexico.
-Về hoạt động cấp C/O cho hàng hóa là rất quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Là cơ quan chủ trì việc cấp giấy này, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về hoạt động cấp C/O của ta hiện nay?
-Khi Việt Nam tham gia các FTA có nghĩa là thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng và tăng khả năng cạnh tranh do được hưởng ưu đãi thuế quan trong các khu vực thương mại tự do. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong từng hiệp định hay nói cách khác là phải được cấp C/O.
Vì vậy, C/O được coi là “giấy thông hành” cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan. Để đáp ứng các quy định này, doanh nghiệp phải tổ chức lại quy trình sản xuất, cơ cấu lại nguồn cung nguyên liệu để đảm bảo thỏa mãn các tiêu chí đã đề ra.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại gia tăng như hiện nay, C/O còn là công cụ phòng chống gian lận xuất xứ, ngăn ngừa các nước thứ ba lợi dụng danh nghĩa hàng Việt Nam để hưởng lợi không chính đáng. Do vậy, C/O vừa là tác nhân tạo thuận lợi cho xuất khẩu, vừa là công cụ đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho doanh nghiệp.
Theo thống kê của Bộ Công thương, số lượng C/O ưu đãi trong 5 năm qua tăng khoảng 20-25% mỗi năm, từ 323.000 bộ năm 2013 lên đến 900.000 bộ năm 2019. Những con số này cho thấy, C/O đóng vai trò ngày càng quan trọng khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đó cũng là lý do tại sao hoạt động cấp C/O được Bộ Công thương quan tâm sát sao.
-Vậy việc cấp C/O cho doanh nghiệp hiện nay được thay đổi như thế nào khi Bộ Công thương cam kết đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính?
-Hoạt động cấp C/O được đưa vào chương trình cải cách thủ tục hành chính từ rất sớm. Hiện nay, hoạt động cấp C/O cũng là một trong hai thủ tục đầu tiên của Bộ Công thương tham gia Cổng Dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Thời gian cấp C/O cũng liên tục được rút ngắn, từ vài ngày trước đây, nay chỉ trong khoảng 4 - 6 giờ, thậm chí nhanh hơn.
Chúng tôi cũng đang thí điểm cho phép tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN, và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tự chứng nhận đối với hàng hóa xuất khẩu đi EU. Đây là những bước cải cách mạnh mẽ, tạo thêm nhiều thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có FTA.
-Năm 2020 được dự báo có không ít thách thức trong xuất khẩu. Bộ trưởng có nhận định và giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục gặt hái thắng lợi như năm vừa qua?
-Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, năm 2020 sẽ là năm có nhiều khó khăn và thách thức. Tình hình thế giới về chính trị và thương mại còn diễn biến phức tạp. Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là chúng ta cần tiếp tục tạo điều kiện ổn định về vĩ mô và tạo môi trường hòa bình thuận lợi để phục vụ cho hợp tác của Việt Nam với các đối tác, tiếp tục tăng cường phát triển năng lực sản xuất của nền kinh tế cũng như tham gia thương mại quốc tế.
Để hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, cần bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, đóng góp tích cực cho tăng trưởng; tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để phát triển thị trường xuất khẩu và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường; thực hiện đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước.
-Xin cảm ơn ông!