- Các chỉ số thị trường cùng giảm điểm trong phiên ngày 24/02/2022. Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm 1.15%, xuống còn 1,494.85 điểm, HNX-Index giảm 1.73%, xuống mức 443.88 điểm.
- Khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt gần 976 triệu đơn vị, tăng mạnh 47.92% so với phiên giao dịch trước. Khối lượng khớp lệnh trên HNX tăng 46.15%, đạt gần 159 triệu đơn vị.
- Khối ngoại bán ròng trên sàn HOSE với giá trị chỉ gần 186 tỷ đồng, bán ròng trên sàn HNX với giá trị gần 13 tỷ đồng.
- VN-Index khởi đầu phiên giao dịch ngày 24/02/2022 với tâm lý khá thận trọng. Nửa đầu phiên sáng, VN-Index liên tục giằng co quanh mốc tham chiếu. Thông tin về tình hình chiến sự tại Ukraine xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông đã có tác động mạnh lên chứng khoán thế giới lẫn Việt Nam những phút cuối của phiên sáng. Đà giảm này còn tồi tệ hơn ở đầu phiên giao dịch chiều, chỉ số VN-Index có thời điểm bay mất gần 40 điểm trước tâm lý lo lắng của nhà đầu tư về những tác động tiềm tàng lên đà phục hồi kinh tế khi cuộc chiến tranh chính thức nổ ra. Tuy nhiên sau những phút hoang mang, VN-Index đã phục hồi trở lại nhờ lực cầu bắt đáy tăng cao. Kết phiên, chỉ số đã thu hẹp bớt đà giảm trước đó xuống chỉ còn giảm 17 điểm. VN-Index dừng chân ở mức 1,494.85 điểm.
- Cùng chung xu hướng với thị trường, VN30-Index giảm 16.79 điểm (-1.09%). Sắc đỏ bao trùm rổ VN30 với 25 mã giảm và chỉ có 5 mã tăng giá. Các cổ phiếu TPB, CTG, VIC, HDB nằm trong top đầu những mã giảm mạnh nhất rổ khi cùng lùi trung bình gần 3%. Ở chiều ngược lại, VPB và BVH là những mã tăng giá mạnh nhất rổ.
- Về mức độ ảnh hưởng, VIC là cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index khi lấy đi gần 3 điểm của chỉ số này. Theo sau VIC là các mã VCB, VHM, BID. Ở chiều ngược lại, GAS, VPB và MSN là những mã có tác động tích cực nhất.
- Tình hình địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục căng thẳng đã khiến cho giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng và neo ở mức cao. Nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước cũng tiếp tục xu hướng tăng trong phiên giao dịch. Trong đó, PVT, PVB và PVC cùng nhau ở hết biên độ tăng trần. Cổ phiếu PVD leo dốc 6.3%, PVS và OIL tăng gần 5%.
- Trong khi đó, bộ đôi VIC và VHM giao dịch khá tiêu cực với mức giảm lần lượt là 2.91% và 1.01%. Sắc đỏ còn hiện diện ở nhiều cổ phiếu trong nhóm bất động sản như NVL, VRE, KDH, CEO, DIG,…
- VN-Index có phiên biến động mạnh, có lúc chỉ sổ rơi gần 40 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy xuất hiện ở vùng giá thấp đã kéo chỉ số hồi phục trở lại và chỉ còn giảm hơn 17 điểm. Thông tin về xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến cho thị trường chao đảo trong phiên chiều. Khối lượng giao dịch đột biến trên hai sàn HOSE và HNX, khi đồng loạt tăng gần 50%.
Trong phiên giao dịch ngày 24/02/2022, VN-Index xuất hiện điều chỉnh tại vùng kháng cự 1,500-1,510 điểm (đỉnh cũ tháng 11/2021). Tuy nhiên, sắc đỏ đã được thu hẹp ở VN-Index sau khi test lại hỗ trợ tại đường Middle của dải Bollinger Bands và đường SMA 50 ngày.
Đường SMA 100 ngày sẽ là hỗ trợ tiếp theo nếu hỗ trợ trên bị phá vỡ. Khối lượng giao dịch tăng cao và vượt xa mức trung bình 20 ngày gần nhất, qua đó cho thấy nhà đầu tư đang giao dịch rất sôi động.
Chỉ báo Stochastic Oscillator đã xuất hiện tín hiệu bán tại vùng quá mua (overbought). Chỉ báo MACD cũng đã đảo chiều, nếu tín hiệu bán cũng xuất hiện ở chỉ báo này thì rủi ro điều chỉnh sẽ tăng cao hơn.
Trong phiên giao dịch ngày 24/02/2022, HNX-Index hiện đang di chuyển giằng co ở giữa đường SMA 50 ngày và đường SMA 100 ngày. Xu hướng tiếp theo của HNX-Index sẽ được xác nhận nếu chỉ số rời khỏi vùng này.
Khối lượng giao dịch tăng cao trong những ngày gần đây và vượt lên trên mức trung bình 20 ngày, qua đó cho thấy dòng tiền đang quay trở lại.
Chỉ báo MACD và Stochastic Oscillator đang duy trì những tín hiệu khả quan càng ủng hộ cho khả năng vượt vùng kháng cự 440-450 điểm (đường SMA 50 ngày và ngưỡng Fibonacci Retracement 23.6%).