Xung lực phát triển từ hạ tầng rõ nét hơn bao giờ hết

(ĐTTCO) - Từ khi tuyến cao tốc TPHCM - Phan Thiết được thông xe, gần 2 tháng qua, ngành du lịch Bình Thuận vẫn chưa hết “say nắng”, chỉ tính riêng dịp lễ 30-4 vừa qua, nơi này đã thu hút hơn 160.000 du khách, gấp đôi năm ngoái.

Thành quả này không phải “quà tặng” từ trên trời rơi xuống, mà nhờ tuyến cao tốc đã rút ngắn thời gian từ TPHCM đến Phan Thiết còn khoảng 2 giờ 30 phút chạy xe, xấp xỉ thời gian từ TPHCM đi Vũng Tàu. Người dân TPHCM giờ đây có thêm lựa chọn “đổi gió”, dễ dàng sáng đi chiều về.

Nhưng chắc chắn, từ cơn “say nắng” ban đầu, ngành du lịch Phan Thiết sẽ nhận thấy rằng, các sản phẩm du lịch có quá ít và đơn điệu, khó níu chân du khách về lâu dài. Chẳng hạn, khi đến tháp Chàm Poshanư, du khách bỗng hụt hẫng vì lầu Ông Hoàng chỉ còn phế tích.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vừa đưa vào sử dụng đã thu hút đông xe cộ lưu thông
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vừa đưa vào sử dụng đã thu hút đông xe cộ lưu thông

Với những lợi thế về hạ tầng giao thông hiện nay, tỉnh Bình Thuận cần xem đây là cơ hội để tập trung đầu tư, phát triển du lịch địa phương với nhiều sắc thái, qua đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển hơn nữa.

Tất nhiên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không thể đứng yên nhìn Phan Thiết “hốt bạc”, mà phải tự thay đổi, sớm hoàn tất việc bàn giao mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Phú Mỹ - Vũng Tàu (đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ), để rút ngắn lộ trình cho khách du lịch đến Vũng Tàu. Đồng thời thay đổi và bổ sung nhiều sản phẩm du lịch chất lượng hơn… Có thể hình dung, đó là sự cạnh tranh căng thẳng nhưng tích cực và thú vị khi người dân được hưởng lợi trước tiên khi hạ tầng phát triển mạnh.

Đường Vành đai 3 TPHCM dù mới khởi công nhưng dòng tiền của dự án đã đến tay người dân, thông qua việc đền bù giải phóng mặt bằng, từ TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi đến các địa phương có dự án đi qua ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Có tiền trong tay, người dân dễ dàng sửa sang nhà cũ, mua nhà mới hoặc mua những tài sản khác. Hiện nay, thị trường bất động sản đóng băng, việc mua bán nhà đất gần như rất hiếm, nhưng thông qua dự án này, xem như người dân đã “chuyển nhượng” được mảnh đất, ngôi nhà đem lại khoản tiền cực lớn, vì được đền bù giá cao.

Theo tính toán, năm nay TPHCM được giao kế hoạch đầu tư công là 70.518 tỷ đồng, số vốn được giao gấp 2 lần năm 2022. Đây là nguồn kinh phí khổng lồ, nên việc hấp thụ đòi hỏi một cách làm rất khác với kiểu “ầu ơ ví dầu” trước đây.

Thời gian qua, được tháp tùng đoàn giám sát về đầu tư công của Thành ủy, HĐND TPHCM tại các dự án đang triển khai, chúng tôi nhận thấy nhiệm vụ này sẽ khả thi, bởi đó không chỉ là quyết tâm mà còn là sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Chẳng hạn, thủ tục hành chính được đổi thay theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả.

TPHCM tổ chức kiện toàn và phát huy vai trò của 3 tổ công tác đầu tư công, gồm Tổ công tác rà soát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Tổ công tác thúc đẩy giải ngân các dự án được giao vốn lớn; Tổ công tác rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Tiếp đó, các sở ngành rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư; các địa phương tập trung thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án, đảm bảo bàn giao đúng cam kết. “Nếu có khó khăn vướng mắc thì gọi điện thoại để xử lý ngay, không nên chờ quy trình thủ tục”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, đã nêu cách làm rất mới đối với các cơ quan liên quan khi giám sát hàng loạt công trình đầu tư công vừa qua.

Với tâm thế như vậy, chắc chắn việc đầu tư công tại TPHCM sẽ thành công, tạo nên bước ngoặt mới: không chỉ giúp sức thêm cho kinh tế hồi phục mà chắc chắn bộ mặt hạ tầng TPHCM sẽ được thay đổi toàn diện, tạo tiền đề căn bản cho sự phát triển mạnh mẽ trong những thập niên tới. Xung lực của nền kinh tế khởi phát từ hạ tầng đã rõ nét hơn bao giờ hết.

Các tin khác