Nếu như trước năm 2020, cả khu vực này mới chỉ có hơn 90km đường cao tốc, thì đến nay con số này là 346km, từ Ninh Thuận đến Cà Mau, gồm các đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (55km), Dầu Giây - Phan Thiết (99km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (101km), TPHCM - Trung Lương (40km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51km). Chưa kể 51km tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cũng được khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
Vào những ngày này, không khí trên công trường cầu Mỹ Thuận 2 đang rất khẩn trương. Ông Phan Văn Quân, đại diện nhà thầu Trung Nam, cho biết, hàng trăm kỹ sư, công nhân thi công 3 ca liên tục để đảm bảo tiến độ. Theo kế hoạch, cuối tháng 11, dự án sẽ hợp long nhịp chính và hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2023.
Còn tại công trường đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin, các nhà thầu đang dốc toàn lực để không lỡ hẹn vào cuối năm 2023. Các dự án mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau cũng đang tăng tốc về đích. Dự án tuyến tránh QL91 qua An Giang đang đẩy nhanh tiến độ. Hàng loạt các dự án đường cao tốc như Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… sắp được triển khai.
Không chỉ vậy, theo quy hoạch, tổng nhu cầu vốn cho giao thông giai đoạn 2021-2030 lên tới 1,87 triệu tỷ đồng, ngân sách nhà nước dự kiến 890.000 tỷ đồng, còn lại phải huy động nguồn lực xã hội. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian tới, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn này.
Trước hết, các bộ, ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về huy động nguồn lực xã hội hóa thông qua hình thức PPP, như: linh hoạt tỷ lệ tham gia huy động vốn của doanh nghiệp; có điều khoản chuyển tiếp và không hồi tố khi thay đổi chính sách; đảm bảo các yếu tố theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cần xem xét cho vay theo đúng thời hạn của dự án và không yêu cầu tài sản bảo đảm bổ sung cho khoản vay. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cần xác định rõ thứ tự ưu tiên để lựa chọn các dự án cấp bách triển khai trước, thu hút đầu tư bằng hình thức nhượng quyền thu phí thông qua đấu giá quyền thu phí.
Để giải quyết khó khăn về vật liệu đất đắp, Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ TN-MT báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên phân bổ nguồn cát cho 2 dự án đường cao tốc trong khu vực, với tổng khối lượng trong năm 2023 là 9,1 triệu m3. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục cùng Bộ TN-MT làm việc với các địa phương để phân bổ, bố trí đủ nguồn vật liệu cát theo tiến độ thi công.
Việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường hiện đang thí điểm trên đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc Dự án Hậu Giang - Cà Mau. Kết quả ban đầu cho thấy, các tiêu chí về lý hóa cơ bản đáp ứng phù hợp với môi trường. Hiện cơ quan chức năng đang theo dõi thêm một số chỉ tiêu cơ, lý hóa khác, dự kiến sẽ có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023.
Nếu thành công, đây sẽ là nguồn vật liệu chính cho các dự án trong khu vực ĐBSCL, giải quyết triệt để tình trạng thiếu hụt vật liệu bởi chỉ riêng ở tỉnh Sóc Trăng, trữ lượng đã có khoảng 14 tỷ m3 cát biển. Đánh giá của Thủ tướng cũng như các giải pháp mà Bộ GTVT đưa ra cho phép người dân Nam bộ kỳ vọng hạ tầng giao thông của vùng sẽ được bứt phá trong thời gian tới.