Đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến cao tốc khu vực Tây Nam bộ

(ĐTTCO) - Sau 5 tháng khởi công dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, nhiều cung đường đang hình thành.

Tập trung cho dự án trọng điểm

Đầu tháng 6, chúng tôi có dịp trở lại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, chứng kiến không khí nhộn nhịp thi công tuyến đường cao tốc Bắc - Nam. Giáp với QL 61 trên địa bàn huyện Vị Thủy, từ đồng ruộng, nhô lên những chiếc cần cẩu cao vút đang kéo những cột bê tông; phía sau là những chiếc máy ủi đang san cát, con đường trải cát từ đồng ruộng tới QL 61.

“Hiện mỗi tuần đều có cuộc họp liên ngành giữa địa phương, đơn vị thi công và Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) để kiểm tra công việc, đề xuất các biện pháp, đốc thúc đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Công trình đường cao tốc Bắc - Nam đang dần hình thành trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VĨNH TƯỜNG

Công trình đường cao tốc Bắc - Nam đang dần hình thành trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VĨNH TƯỜNG

Trong khi đó, tại nơi tiếp giáp với tỉnh Hậu Giang là Bạc Liêu, đơn vị thi công cũng đang tập trung làm quyết liệt. Ông Nguyễn Văn Thìn, Chỉ huy trưởng phần cầu thuộc gói thầu XL01 (đoạn đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu) cho biết, đang tập trung thi công cầu Rạch Ngã Ba Tàu, kinh phí đầu tư hơn 206 tỷ đồng.

Hiện đã thi công hoàn thiện mặt bằng, đường công vụ dọc tuyến. Còn cầu kênh Hòa Bình (kinh phí hơn 112 tỷ đồng) đã thi công cọc thử trụ T4 và T5. Dự kiến trong năm 2023, đơn vị sẽ triển khai thi công các cầu: Kênh Chùa, Bào Ráng và Hóc Pó. Còn lại 4 cây cầu: Bào Ráng đường gom; Kênh Chính; Kênh Xéo và Kênh Tám Ngọc sẽ triển khai thi công trong năm tiếp theo.

Tương tự, các nhà thầu tham gia thi công gói thầu XL 03 (thi công xây dựng tuyến Km 114+200 - Km 126+223, ấp Xóm Sở, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) tranh thủ thời tiết đang thuận lợi để thi công.

Ông Nguyễn Việt Khái (tham gia thi công gói thầu XL 03) chia sẻ: “Hiện các anh em đang thi công hạng mục nạo vét đất bùn và gia cố cừ tràm tại những nơi nền đất yếu. Mùa này, tranh thủ thời tiết thuận lợi nên công nhân làm xuyên suốt. Mặt bằng rất thuận lợi nên dễ dàng trong quá trình thi công”.

Thi công gói thầu XL 03, đoạn qua ấp Xóm Sở, xã Hồ Thị Kỷ,huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TẤN THÁI

Thi công gói thầu XL 03, đoạn qua ấp Xóm Sở, xã Hồ Thị Kỷ,huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TẤN THÁI

Hiện các địa phương có đường cao tốc Bắc - Nam đi qua (Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) gần như đã giải phóng cơ bản xong phần đất xây dựng. Theo ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, đến nay các địa phương đã bàn giao mặt bằng khoảng 39km. Trong đó, chiều dài mặt bằng thi công khoảng 38km; 33/40 cầu có mặt bằng thi công. Đoạn Hậu Giang - Cà Mau đã bàn giao khoảng 74km, mặt bằng có thể thi công khoảng 69km; 69/86 cầu có mặt bằng thi công.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là dự án quan trọng quốc gia. Việc triển khai thực hiện, hoàn thành, đưa dự án vào khai thác đúng tiến độ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đảm bảo an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

Rốt ráo tìm nguồn cát cho dự án

Ngày 2-6, tại Đồng Tháp, Đoàn công tác của Bộ TN-MT, Bộ GTVT làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp về công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và việc cung cấp cát cho công trình đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Theo đó, trong năm 2023, nhu cầu về cát của tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,9 triệu m3 (chưa kể cung ứng cho dự án cao tốc ngoài tỉnh). Tỉnh đang cố gắng cung cấp cát cho công trình đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh với 6,6 triệu m3 (riêng năm 2023 là 0,7 triệu m3); đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau là 7 triệu m3 (riêng năm 2023 là 3,3 triệu m3).

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, tỉnh đã cung cấp cho công trình xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau được 1,9 triệu m3 cát. Ngoài ra, tỉnh cũng đang rà soát một số mỏ cát để tính toán, cung ứng đủ 5,1 triệu m3 cát còn lại cho dự án đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau theo yêu cầu của Trung ương.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên đề nghị tỉnh Đồng Tháp thực hiện nâng công suất khai thác cát, áp dụng cơ chế đặc thù, căn cứ theo các nghị quyết của Chính phủ nhưng phải đảm bảo an toàn sản xuất, giữ gìn môi trường, an toàn giao thông đường thủy; địa phương cần quan trắc môi trường thường xuyên, nếu phát hiện gây ra sạt lở bờ sông thì dừng khai thác ngay.

Trong chuyến làm việc mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm ghi nhận sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu triển khai dự án trong giai đoạn vẫn còn nhiều khó khăn. Giai đoạn đầu của dự án sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong tình hình khan hiếm nguồn vật liệu cát như hiện nay, đòi hỏi các nhà thầu cần tập trung xây dựng kế hoạch thi công chi tiết ngay từ đầu.

“Mục tiêu đạt sản lượng thi công 35% trong năm 2023 là không thay đổi, các nhà thầu phải đưa ra kế hoạch vẫn bám sát mục tiêu và vấn đề quan trọng là phải làm cho được”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.

Các tin khác