Đối tác ngoại liên tục rót vốn
Nhìn lại năm 2023, y tế được đánh giá là một trong những ngành có hoạt động mua bán sáp nhập sôi động nhất, xét cả về số lượng và giá trị giao dịch. Theo thống kê của Công ty Đầu tư vốn cổ phần Kirin Capital, hoạt động mua bán và sáp nhập ngành y tế năm 2023 có 11 thương vụ, với tổng giá trị được công bố đạt 508 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2022.
Đây là ngành có giao dịch M&A cao thứ 3, chỉ sau 2 ngành truyền thống là tài chính và bất động sản. Đa số bên mua đều là các đơn vị đến từ nước ngoài.
Trong năm 2023, Thomson Medical Group (Singapore) công bố mua lại Bệnh viện FV với giá 381,4 triệu USD (tương đương hơn 9.000 tỷ đồng). Thương vụ này được đánh giá là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, cũng là thương vụ lớn nhất trong lĩnh vực này tại khu vực Đông Nam Á kể từ năm 2020.
Tập đoàn y tế Thomson được niêm yết tại Singapore và đang hoạt động chính tại Singapore và Malaysia. Được biết trước khi “xuống tiền” mua lại FV, tập đoàn này đã có cuộc khảo sát với khoảng 20 bệnh viện, trong đó FV được đánh giá vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh.
Chia sẻ tại buổi lễ công bố hồi tháng 1 vừa qua, ông Kiat Lim, Phó Chủ tịch Thomson Medical cho biết: “Sau khi thiết lập được thành trì ở Singapore và mạng lưới đang ngày càng phát triển ở Malaysia, chúng tôi đương nhiên chuyển hướng sang Việt Nam. Đây là sự bổ sung cần thiết cho chiến lược Đông Nam Á của Thomson tạo những bước tiến quan trọng vào các nước láng giềng như Campuchia, Lào và Myanmar”.
Ngoài vụ thâu tóm khủng trên, lĩnh vực sức khỏe y tế ghi nhận hàng loạt thương vụ đầu tư khác. Mới nhất ngày 15-4, Warburg Pincus (Mỹ), nhà đầu tư tăng trưởng hàng đầu thế giới, đã công bố đầu tư vào Bệnh viện Xuyên Á. Con số đầu tư không được tiết lộ, nhưng BV Xuyên Á cho biết khoản đầu tư mới sẽ được sử dụng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, mở rộng quy mô đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ y tế.
Warburg Pincus được biết đến là nhà đầu tư có kinh nghiệm đầu tư vào ngành chăm sóc sức khỏe. Quỹ này đặt tham vọng đưa hệ thống bệnh viện Xuyên Á thành một trong những hệ thống bệnh viện tư nhân hàng đầu Việt Nam.
Trước đó, hồi tháng 10-2023, Raffles Medical Group (RMG), tập đoàn của tỷ phú Singapore Loo Choon Yong mua phần lớn cổ phần tại Bệnh viện quốc tế Mỹ (AIH) ở TPHCM. RMG không công bố cụ thể số lượng cổ phần sẽ mua và giá trị thương vụ, nhưng cho biết "mua phần lớn cổ phần tại AIH". Song nếu nhìn vào giá trị AIH được định giá khoảng 45,6 triệu USD, con số đầu tư của RMG không hề nhỏ.
Trong mảng nhà thuốc, nổi bật nhất là tập đoàn dược phẩm từ Hàn Quốc Dongwha Pharm, mua lại 51% cổ phần tại Trung Sơn Pharma. Theo Dongwha Pharm, mục tiêu của thương vụ này là nhằm đa dạng các mảng vận hành của Dongwha, thông qua đầu tư cũng thu hút được nhiều sự quan tâm. Giá trị thương vụ khoảng hơn 39 tỷ won (khoảng 30 triệu USD, tương đương hơn 710 tỷ đồng).
Giải mã sức hút
Một lý do chung được các quỹ đầu tư, các tập đoàn y khoa nước ngoài trả lời trong các thương vụ đầu tư vào y tế tư nhân, là kỳ vọng về sự phát triển của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phát triển của Việt Nam. Tại buổi lễ công bố hồi tháng 1 của Thomson Medical, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đã khẳng định quan điểm của Bộ Y tế là không phân biệt y tế công với y tế tư. Do vậy, Việt Nam luôn khuyến khích y tế tư nhân, đặc biệt có sự đầu tư của các tập đoàn quốc tế.
Cũng theo ông Thuấn, chính sách phát triển y tế tư nhân cũng ngày càng được chú trọng. Mới đây, Bộ Y tế đã trình ban hành Luật Khám chữa bệnh số 15/2023/QH15 và Nghị định 96/2023/NĐ-CP cùng các thông tư hướng dẫn, với rất nhiều chính sách nhằm tạo động lực phát triển y tế tư nhân.
Theo số liệu thống kê, y tế tư nhân Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 5,5% trong hệ thống y tế, tỷ lệ còn khiêm tốn so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo Nghị quyết 20 về việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, đến năm 2025 phấn đấu tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10% và đạt 15% vào năm 2030 để chia sẻ với hệ thống các bệnh viện công lập.
Bên cạnh chính sách, động lực để các nhà đầu tư ngoại đặt nhiều kỳ vọng là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
World Data Lab, tổ chức phân tích dữ liệu uy tín toàn cầu (trụ sở tại Vienna, Áo), cho biết trong danh sách 9 quốc gia châu Á được dự báo có số người gia nhập tầng lớp trung lưu lớn nhất năm 2024, Việt Nam đứng thứ 5, với 4 triệu người. Dự báo đến năm 2030 có thêm 23,2 triệu người. Theo tổ chức này, trung lưu là người tiêu ít nhất 12 USD mỗi ngày (theo sức mua tương đương năm 2017).
Đáng chú ý nếu như trước đây người Việt Nam có xu hướng ra nước ngoài khám chữa bệnh, những năm trở lại đây con số đó đang giảm đi nhờ sự nâng cấp không ngừng của y tế tư nhân. Đặc biệt, sau đại dịch người dân ngày càng có xu hướng tăng chi phí để nâng cao chất lượng sức khỏe.
Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho người dân trong nước, y tế tư nhân còn nhắm đến một “khoảng trống” bị bỏ ngỏ lâu nay chính là du lịch y tế. Nếu so với các quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay Malaysia trong cuộc đua du lịch y tế, Việt Nam có thể còn ở phía sau.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy, gần đây trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh, trong đó 40% lượng khách tập trung tại TPHCM.
Thực tế, các doanh nghiệp lữ hành đều có chung nhận định sau dịch nhu cầu du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe của du khách đến TPHCM đang tăng lên. Song cần có “cú bắt tay” nhiều hơn nữa giữa doanh nghiệp du lịch và các cơ sở y tế để hình thành những sản phẩm hoàn chỉnh, đồng thời có chiến lược quảng bá mạnh mẽ đến du khách.
Theo dự báo của Kirin Capital, đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam năm 2024 tiếp tục duy trì sự sôi động, cơ hội đầu tư rộng mở, các đặc điểm, tính chất thương vụ và đối tượng bên mua - bán cũng đa dạng hơn.