Ý thức tự giác cá nhân chống Covid-19

(ĐTTCO) - Đợt lây nhiễm thứ 2 đã đẩy số lượng bệnh nhân Covid-19 cả nước tăng vọt. Nguyên nhân không chỉ nằm ở sự biến thể của chủng virus corona, còn nằm ở sự chủ quan của nhiều người sau những thành tựu chống dịch ban đầu. Vì vậy, khi không áp dụng giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, ý thức tự giác của cá nhân trở nên vô cùng quan trọng.    

Kể từ 0 giờ ngày 19-8, Hà Nội thực hiện giãn cách tại các quán cà phê, quán bia, yêu cầu mọi người phải giữ khoảng cách tối thiểu 1m. Hà Nội đã lấy được 48.000 mẫu bệnh phẩm những người từng đến Đà Nẵng trong thời điểm tái bùng phát Covid-19 để làm xét nghiệm. Thực sự, đời sống thủ đô đang đối mặt nỗi lo mới, vì thành phố Hải Dương nằm rất gần đã thành vùng dịch mới. Ngành y tế Hà Nội buộc phải có hành động mạnh mẽ hơn để khuyến cáo người dân đảm bảo đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay và đảm bảo tiêu chí an toàn khi tiếp xúc với người khác.
Ý thức cá nhân trong cuộc tái chiến Covid-19 là điều không thể không quan tâm hiện nay. Bởi lẽ, bệnh nhân 979 xác định dương tính với virus corona vào ngày 17-8 tại Hà Nội là nhân viên ngân hàng. Bệnh nhân 979 từng đi du lịch Đà Nẵng, sau đó tự cách ly 1 tuần tại nhà và hồn nhiên tham dự 7 cuộc liên hoan ở các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, trước khi vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Ý thức tự giác cá nhân chống Covid-19 ảnh 1
Tâm lý chủ quan là có thật và tiềm ẩn rất nhiều mối họa bởi nhiều người không thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, ngoài một số khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao người dân phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch, những nơi khác cần tuân thủ 9 khuyến cáo phòng Covid-19 của Bộ Y tế trong tình hình mới. Theo đó, khi có tiền sử tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm hoặc xuất hiện các biểu hiện, triệu chứng bất thường, người dân phải thông báo ngay cho cơ sở y tế để hỗ trợ. Nếu thông tin người dân cung cấp không chính xác hoặc chậm, việc giúp đỡ sẽ gặp khó khăn…
Trước đây, nhiều nơi trông cậy vào biện pháp test nhanh để xác định đối tượng nhiễm bệnh nhằm khoanh vùng và truy vết. Tuy nhiên, biện pháp test nhanh không đảm bảo tính chất sàng lọc hiệu quả. Tập trung xét nghiệm mẫu bệnh phẩm bằng phương pháp Realtime-PCR mới có thể khẳng định chính xác các trường hợp nghi ngờ. Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cảnh báo về tình trạng âm tính giả dẫn tới có thể “thả virus” ra cộng đồng: “Bệnh nhân nhận kết quả xét nghiệm âm tính ngày hôm trước hôm sau đi làm, giao lưu với rất nhiều người. Rất tiếc hiện nay test nhanh kháng nguyên ở Việt Nam chưa phổ biến, các tỉnh, thành phố chủ yếu sử dụng test nhanh kháng thể chỉ cho phép phát hiện những người đã có kháng thể trong máu, những người đã mắc bệnh trước đó một thời gian khá dài. Thường kháng thể chỉ xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh 1 tuần hoặc lâu hơn. Chính vì thế, kết quả âm giả khiến người bệnh chủ quan, vẫn đi lại giao tiếp với xã hội bình thường”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một trong những yếu tố quyết định thành công trong việc phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 1 là huy động mọi giải pháp, từ chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, nêu gương cho đến xử phạt, đã khiến cả xã hội vào cuộc chủ động phòng, chống dịch vì mình, vì người thân và toàn xã hội. Do đã kiểm soát được dịch bệnh tốt dài ngày, không ít người dân có tâm lý lơi lỏng. Bây giờ là lúc phải nhìn vào thực tế, dịch Covid-19 còn kéo dài, ít nhất 1 năm nữa vaccine mới có thể đến với mọi người. Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh.
Một thống kê đáng lưu ý, có đến gần 40% trường hợp ca nhiễm Covid-19 hoàn toàn không có triệu chứng, có thể trở thành nguồn lây phát tán mạnh virus nếu không có biện pháp cách ly ngăn chặn. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 nhận định, dịch bệnh trên thế giới vẫn đang tiếp tục tăng nhanh, chưa có dấu hiệu chững lại. Đặc biệt, làn sóng dịch thứ 2 đang bùng phát mạnh ở những nước đã mở cửa trở lại sau thời gian thực hiện cách ly xã hội. Việc một số nước tuyên bố sản xuất thành công vaccine là tín hiệu tích cực nhưng chưa thể giúp nhân loại đẩy lùi ngay được đại dịch toàn cầu.
Con số bệnh nhân nhiễm mới và bệnh nhân tử vong ở tâm dịch Đà Nẵng dù đang giảm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Trong khi đó, ổ dịch Covid-19 ở Hải Dương với ca nhiễm đầu tiên ghi nhận ở quán “Thế giới bò tươi” lại gây ra hậu quả khó lường. Cơ quan chức năng xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán này từ ngày 25 đến 27-7, cùng chủng với virus ở Đà Nẵng. Từ địa điểm “Thế giới bò tươi”, Covid-19 đã lây lan ra cộng đồng và thành phố Hải Dương buộc phải sử dụng biện pháp cách ly quyết liệt khi số ca nhiễm vượt qua con số 10.
Virus corona xuất phát từ những không gian mở như nhà hàng hoặc quán ăn càng khó kiểm soát người đến, người đi. Do đó, mỗi cá nhân phải tự giác phòng chống Covid-19 ở mức cao nhất. Không thể lấy lý do chưa thực hiện giãn cách xã hội phạm vi toàn quốc, để cho rằng mức độ dịch bệnh chưa đáng lo ngại. Bởi lẽ, chiến lược chống Covid-19 giai đoạn 2 buộc phải áp dụng cách ly từng khu vực cụ thể để dập dịch, không giãn cách xã hội trên diện rộng nhằm tránh ảnh hưởng đến nền kinh tế. Vừa lao động sản xuất bình thường vừa khẩn trương ngăn chặn Covid-19, chính là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam hiện nay.   
Nhằm chủ động phòng chống Covid-19, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy vết các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm rất quan trọng. Do đó, các chuyên gia kiến nghị ban hành quy định mang tính bắt buộc chủ thuê bao di động cài đặt các ứng dụng (khai báo y tế điện tử, NCOVI, Bluezone) trên điện thoại thông minh (theo lộ trình phù hợp) để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", tất cả vì lợi ích chung của cộng đồng. Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm triển khai biện pháp “định vị cứng” của một số nước tiên tiến đã áp dụng cho một số đối tượng có nguy cơ cao, như đeo vòng điện tử cảnh báo. 

Các tin khác