Yêu cầu công bố kết quả thanh tra giá điện

Trước đó, theo Kiểm toán Nhà nước, có những khoản có thể giúp EVN giảm được chi phí và là cơ sở để giảm giá bán. Trong chỉ đạo lần này, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngân hàng xem xét hỗ trợ vốn cho EVN và nhắc EVN sớm trả nợ PVN, TKV.

Trước đó, theo Kiểm toán Nhà nước, có những khoản có thể giúp EVN giảm được chi phí và là cơ sở để giảm giá bán. Trong chỉ đạo lần này, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngân hàng xem xét hỗ trợ vốn cho EVN và nhắc EVN sớm trả nợ PVN, TKV.

 

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn hỏa tốc thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện và kết quả kiểm toán độc lập năm 2011.

Đồng thời, liên Bộ Công Thương - Tài chính phải thẩm định kế hoạch giá thành sản xuất kinh doanh điện giai đoạn 2013 - 2015 của EVN và lộ trình điều chỉnh giá điện năm 2013 - 2015 (trong đó có kế hoạch phân bổ các khoản lỗ của EVN) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 12/2012.

Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 diễn ra hôm 29/10, ông Đặng Huy Cường , Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, sau lần điều chỉnh giá gần nhất (1/7/2012), Bộ Công thương đã tổ chức rà soát chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong khâu phát điện các tháng 7,8,9.

Kết quả rà soát cho thấy chi phí sản xuất điện trong khâu phát điện thực tế có thấp hơn so với kế hoạch. Song vì vẫn còn khoản lỗ lớn để lại, nên giá bán điện của EVN chưa giảm được.

Nhiều tranh luận về chi phí sản xuất điện của EVN cũng đã nổ ra khi Kiểm toán Nhà nước hồi tháng 7 công bố, có những khoản thuộc kinh doanh ngành điện có thể giúp EVN giảm được chi phí.

Các khoản này bao gồm, thu cho thuê cột điện, thanh lý vật tư hàng hóa đầu tư cho ngành điện, thu công suất phản kháng. Song, theo quy chế quản lý tài chính hiện nay thì các khoản trên không được tính vào hạch toán. Tổng số tiền có thể giảm thu cho EVN lên trên 400 tỷ đồng tương ứng có thể giảm 5 đồng/kWh.

Chỉ đạo Ngân hàng xem xét, ưu tiên giải quyết vốn vay cho EVN

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương tổng hợp các vướng mắc trong việc thu xếp vốn cho các dự án nguồn và lưới điện cấp bách của các Tập đoàn, Tổng công ty, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để họp với các Bộ, cơ quan liên quan để xem xét, giải quyết. Trong khi đó, về vấn đề này, EVN phải có tổng hợp gửi Bộ Công thương ngày trong tháng 11 này.

Theo văn bản này của VPCP, trong điều kiện nguồn vốn cho phát triển điện còn hạn chế thì sẽ phải cần xử lý đối với từng dự án, từng ngân hàng và cần có cơ chế riêng đối với các dự án quan trọng, dự án cấp bách. Để có đủ cơ sở pháp lý, các cơ chế này cần được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Phó Thủ tướng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại xem xét, ưu tiên giải quyết cho vay vốn các dự án điện cấp bách theo đề nghị của EVN, trình Thủ tướng Chính phủ.

Hoàn thành đề án phát hành trái phiếu để trả nợ cho PVN, TKV

Ở văn bản này, Phó Thủ tướng nhắc nhở EVN khẩn trương hoàn thành đề án phát hành trái phiếu để chi trả khoản nợ tiền điện, tiền mua nhiên liệu từ các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số doanh nghiệp khác, gửi Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Mới đây, đại diện PVN cho biết, EVN vừa trả cho tập đoàn này khoảng 1.000 tỷ đồng tiền nợ cũ từ trước năm 2010. Số nợ còn lại khoảng 13.000 tỷ đồng, trong đó gồm 10.000 tỷ đồng tiền mua điện và 3.000 tỷ đồng lãi vay. EVN đã cam kết từ nay cho đến hết năm 2013 sẽ trả dứt điểm khoản nợ trên.

Về phía TKV, EVN cũng đã thanh toán được 3/4 khoản nợ lên đến gần 2.000 tỷ đồng, hiện tại, số dư nợ của TKV ở EVN còn lại khoảng 500 tỷ đồng. 

Các tin khác