Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải chiều 9/6, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ phiên chất vấn đã cho thấy tính thiết yếu và sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội đối với lĩnh vực rất quan trọng này. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngành giao thông vận tải là xương sống, mạch máu, “giao thông phải đi trước mở đường”, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Các đại biểu đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, đúng nội dung chất vấn. Một số đại biểu tích cực tranh luận để làm rõ hơn vấn đề chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giữ cương vị đứng đầu ngành giao thông vận tải từ nhiệm kỳ Khóa XIV, là một trong các Bộ trưởng có kinh nghiệm và nắm chắc thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, với tinh thần cầu thị, Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, mỗi vấn đề đều có định hướng, đề xuất phương án cụ thể để xử lý trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng phát biểu làm rõ thêm nhiều vấn đề.
Trong phiên chất vấn đối với vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, đã có 48 đại biểu đăng ký chất vấn, có 30 đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn, 9 đại biểu tham gia tranh luận, còn 18 đại biểu đăng ký nhưng không còn đủ thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị có văn bản chuyển đến Bộ trưởng Giao thông vận tải trả lời bằng văn bản. |
Qua báo cáo của Bộ Giao thông vận tải gửi đến các đại biểu Quốc hội và diễn biến của phiên chất vấn lần này cho thấy, thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó hoàn thành khối lượng công việc lớn.
Trong đó, ngành đã hoàn thành 4 quy hoạch ngành theo Luật Quy hoạch nhằm tạo cơ sở pháp lý triển khai các nhiệm vụ của Bộ, hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng 1.239km đường bộ cao tốc, đang triển khai xây dựng 883km và dự kiến tiếp tục khởi công hơn 2.000km đường bộ cao tốc trong giai đoạn 2021-2025, cùng với đó hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội nhiều dự án, công trình quốc gia.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải cũng có kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cao trong giai đoạn 2020-2021 và giai đoạn 2016-2020 trước đó, bên cạnh chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra, giám sát được tăng cường, đã xây dựng, ban hành 57 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, 167 tiêu chuẩn Việt Nam và 43 tiêu chuẩn cơ sở...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giao thông vận tải vẫn còn những vướng mắc, khó khăn, hạn chế cả trong việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý khai thác vận hành khi đưa các dự án, công trình vào sử dụng.
Trong đó, đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các dự án giao thông sử dụng ngân sách nhà nước phần lớn các dự án đều chậm tiến độ, thiếu nguồn vật liệu, thủ tục điều chỉnh biến động giá vật liệu còn chậm và vướng mắc, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư kéo dài, tiến độ xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải…
Việc chậm tiến độ các dự án giao thông quan trọng khá phổ biến, thường kéo dài thêm 2-3 năm làm tăng tổng mức đầu tư từ 1,5 đến 2,5 lần hoặc nhiều hơn so với tổng mức đầu tư ban đầu, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Các dự án, công trình trọng điểm quốc gia được triển khai trải dài trên cả nước, khối lượng công việc rất lớn, trong đó có một số công việc quan trọng nhưng sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương chưa tích cực và hiệu quả; công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn; hồ sơ quản lý chất lượng chưa đầy đủ, thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp, phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công...
Về thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư khai thác kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT sau 17 năm khi bắt đầu triển khai loại hợp đồng này từ năm 2005, mặc dù không mới nhưng việc thực hiện đầu tư theo hình thức BOT vẫn còn nhiều bất cập. Việc thu phí không dừng mục tiêu từ năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội đến nay đã chậm thời hạn 3 năm vẫn chưa thực hiện xong.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông vận tải, các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Trong đó, tập trung tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để đẩy nhanh việc phê duyệt, tiến độ triển khai dự án; giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia.
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm dự án phù hợp với các quy hoạch liên quan không gian phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư; khẩn trương giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia.
Kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, tiến độ từ các bước khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, dự toán đến công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và triển khai thi công, kiểm soát chất lượng đầu vào, quy trình thi công, công tác thí nghiệm, nghiệm thu; tăng cường kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập…
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu san lấp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật; kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.
Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình cấp có thẩm quyền xây dựng phương án giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập, tồn tại trạm thu phí dự án BOT nhanh trong năm 2022, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân, Nhà nước và nhà đầu tư. Theo đó, Nhà nước chỉ hỗ trợ đối với những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng trên cơ sở chia sẻ rủi ro.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu thuế điện tử theo Nghị quyết 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tập trung rà soát, hoàn thiện quá trình vận hành, có biện pháp phát huy tối đa hiệu quả hệ thống thu phí tự động không dừng.