Zimbabwe bỏ nội tệ vì siêu lạm phát

Với mức lạm phát lên đến 500 tỷ %, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe (RBZ) cho biết sẽ thu hồi đồng nội tệ từ ngày 15-6 đến 30-9, tiến tới việc sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch chính thức.

Với mức lạm phát lên đến 500 tỷ %, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe (RBZ) cho biết sẽ thu hồi đồng nội tệ từ ngày 15-6 đến 30-9, tiến tới việc sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch chính thức.

Nếu tài khoản tiền gửi của bạn có 15 con số 0, bạn có thể hãnh diện mình là người rất may mắn và giàu có. Nhưng với người Zimbabwe, đó chỉ là chuyện nhỏ, thậm chí là điều đáng xấu hổ. Siêu lạm phát 500 tỷ % đã khiến đồng tiền của nước này có lẽ còn rẻ hơn giấy lộn. Hiện, 35 triệu tỷ đô la Zimbabwe (ZWD) chỉ đổi được 64 xu USD (14.000 VNĐ).

Trong đỉnh điểm khủng hoảng kinh tế ở Zimbabwe năm 2008, giá cả tăng ít nhất 2 lần mỗi ngày và người dân phải mang những bao đựng tiền lớn để đi mua những món đồ lặt vặt như ổ bánh mì, bịch sữa… Lạm phát cao đến mức năm 2008 RBZ đã cho phát hành tờ tiền mệnh giá lên đến 100.000 tỷ, là tờ tiền mệnh giá cao nhất thế giới cho đến nay.

Việc chính thức hủy bỏ đồng nội tệ được cho là một quyết định “can đảm” của chính phủ Zimbabwe, vì trước đó chính phủ nước này kiên quyết không thừa nhận lạm phát. Năm 2007, khi lạm phát đã đạt 66.212%, chính phủ Zimbabwe vẫn tuyên bố lạm phát là “phi pháp”.

Bất kỳ ai tăng giá hàng hóa và dịch vụ đều có thể bị bắt. Nhà chức trách đã bắt hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp vì thay đổi giá cả. Trước tình cảnh đó, người dân bắt đầu chuyển qua giao dịch bằng ngoại tệ, dù không được phép; nhiều doanh nghiệp và thậm chí người bán hàng rong cũng bán hàng bằng ngoại tệ. Các cửa hiệu phải rất vất vả, vì họ phải niêm yết bằng ZWD và mỗi ngày phải điều chỉnh giá vài lần.

Nhưng khổ nhất vẫn là những người phục vụ trong các lĩnh vực công, chẳng hạn như tài xế xe buýt. Họ phải thu tiền bằng nội tệ, do đó để khỏi bị lỗ do ZWD sụt giá quá nhanh, mỗi ngày họ phải đi đổi tiền vài lần. Đến năm 2008, chính phủ cấp phép cho 1.000 điểm giao dịch ngoại tệ, nhưng không thể đáp ứng đủ nhu cầu, vì vậy thị trường chợ đen ngoại tệ phát triển rất mạnh và tỷ giá lúc nào cũng chênh lệch rất lớn so với tỷ giá chính thức.

Đến tháng 1-2009, quyền Bộ trưởng Tài chính Patrick Chinamasa buộc phải dỡ bỏ lệnh chỉ được dùng nội tệ để giao dịch, thừa nhận thực tế là người dân đã có thói quen không dùng nội tệ trong mua bán hàng ngày. Cũng trong thời gian này, chính phủ quyết định không báo cáo các chỉ số lạm phát nữa. Đến lúc đó, công dân được phép công khai sử dụng đồng USD, EUR và rand Nam Phi để giao dịch.

Tuy nhiên, giáo viên và công chức vẫn được trả lương bằng ZWD. Dù họ nhận lương hàng ngàn tỷ ZWD mỗi tháng, nhưng tính ra cũng chỉ khoảng 1USD, hay chưa đi được hết một tuyến xe buýt. Điều này đã dẫn đến việc nhiều cơ sở công như trường học, bệnh viện bị đóng cửa. Theo hãng BBC (Anh), tính đến cuối năm 2008, hầu hết trường học và bệnh viện bị đóng cửa; có đến 8/10 công viên chức bị thất nghiệp.

Chính phủ cũng nghiêm cấm người dân rút tiền khỏi tài khoản ngân hàng đã gửi để hạn chế dòng tiền, với mức cấm rút tiền quá 500.000ZWD, tức khoảng 5.000VNĐ. Cũng trong năm 2009, chính phủ quyết định chấm dứt hoàn toàn việc in ấn đồng nội tệ. Một chính phủ thống nhất được thành lập với hy vọng giúp ổn định nền kinh tế.

Một núi tiền ZWD như thế này chỉ mua được một ổ bánh mì.

Một núi tiền ZWD như thế này chỉ mua được một ổ bánh mì.

Năm 2014, chính phủ cho phát hành tiền xu centavo, hay còn gọi “xu trái phiếu”, với mệnh giá được chính phủ neo với USD, tương đương 0,01-0,5USD/xu. Tuy nhiên, một trong những vấn đề là sự thiếu hụt tiền xu cung cấp ra thị trường; và người dân cũng không mặn mà trong việc sử dụng loại đồng xu này, vì sợ nó sẽ là bước đệm để nhà nước tái phát hành ZWD. Trong vòng 6 tháng kể từ khi phát hành, chính phủ đã tung ra khoảng 10 triệu USD xu trái phiếu, nhưng không cải thiện được tình hình.

Theo thông báo mới nhất, từ nay đến ngày 30-9, người dân Zimbabwe có thể đổi các tài khoản ZWD thành tài khoản USD, với tỷ giá quy đổi 175 triệu tỷ ZWD bằng 5USD.

Các tin khác