29 doanh nghiệp được cấp phép, dư nợ 0,037%
Sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố gói tín dụng này, 8 ngân hàng thương mại đã tham gia chương trình này với số vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng. Theo đó, từng khu vực, từng quy mô, từng vùng theo quy định sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thương mại bình thường trong nông nghiệp từ 0,5-1,5%/năm.
Đây là nguồn vốn được các ngân hàng thương mại cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường để thực hiện. Khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định của pháp luật.
Mặc dù nguồn vốn đã sẵn sàng nhưng theo ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện mới chỉ có 29 doanh nghiệp nông nghiệp đáp ứng các tiêu chí và Bộ vừa cấp giấy chứng nhận cho những doanh nghiệp này.
“Các doanh nghiệp có nguồn vốn thấp khó có thể tham gia đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao hoặc không thích hợp với một số đối tượng cây con đòi hỏi diện tích sử dụng đất và không gian cách ly lớn,” ông Phong nói.
Mặt khác, ông Phong cũng cho biết, tại các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, do áp dụng công nghệ cao không đồng bộ nên chất lượng sản phẩm chưa cao và chưa đồng đều. Khâu tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào các hợp đồng với các doanh nghiệp nên chưa ổn định. Đặc biệt, chính sách chưa đủ mạnh hoặc khó áp dụng.
Trong khi đó, theo Chương trình quốc gia phát triển đến năm 2020, cả nước có ít nhất 200 doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, mới chỉ với 29 doanh nghiệp được cấp chứng nhận là khá ít ỏi, vì vậy, lượng khách hàng của các ngân hàng cũng bị “eo hẹp”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số 29 doanh nghiệp cấp giấy chứng nhận vào lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, các tổ chức tín dụng đã cho vay đối với 19/29 doanh nghiệp và hiện còn 17 doanh nghiệp dư nợ tại tổ chức tín dụng với số tiền khoảng 3.700 tỷ đồng.
Hiện dự án vay vốn nhiều nhất là Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH là doanh nghiệp đầu tư nhiều vào nông nghiệp công nghệ cao, vay vốn tại mấy tổ chức tín dụng, trong đó vay tại BacA Bank là hơn 790 tỷ đồng. Còn đa số là cũng chỉ được vay vài chục tỷ đồng. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong số những doanh nghiệp được cấp phép này thì có 10 doanh nghiệp không thấy có đề xuất vay vốn ngân hàng.
Các chuyên gia cho rằng, đây là con số quá thấp so với nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.
Về khó khăn trong thực hiện chương trình dẫn đến dư nợ cho gói tín dụng này chưa được đẩy nhanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đó là do số lượng doanh nghiệp được cấp chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.
Ngoài ra, hiện nhiều khách hàng vẫn đang tìm hiểu về gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao cụ thể còn đối chiếu tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch nên chưa nộp hồ sơ vay vốn. Do đó, đối tượng vay vốn nông nghiệp công nghệ cao chưa phát sinh vay ngân hàng. Bên cạnh đó, theo bà Hồng do chưa có công cụ phòng ngừa rủi ro, chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi và thị trường chưa ổn định nên người dân doanh nghiệp còn e ngại đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Khó chồng khó
Ngay sau khi biết sẽ có gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Nguyễn Ngọc Can, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình đã nhanh chóng lập hồ sơ và đến ngân hàng xin được vay vốn.
Nhưng khi đến nơi ông mới biết hiện nay các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới... chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp. Yêu cầu của ngân hàng là phải có sổ đỏ thế chấp, trong khi hợp tác xã vừa mới dồn được sổ đỏ để thuê đất 50 năm, tài sản trên đất thì có nhưng không có hiệu lực vay.
Tương tự như vậy, bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội xanh, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết: “Khi chúng tôi tiếp xúc với các ngân hàng thì họ yêu cầu phải có thế chấp, trong khi đó hợp tác xã thì chưa có gì để thấp chấp cả vì trụ sở đi thuê, đất sản xuất của người dân, của các thành viên, chủ yếu là vay tín chấp. Chúng tôi cũng đề nghị các bộ ngành tạo điều kiện cho các hợp tác xã, nhất là những hợp tác xã mới có thể vay được nguồn vốn tín chấp với lãi suất ưu đãi để các hợp tác xã phát triển.”
Trường hợp của hai hợp tác xã trên không phải là hiếm mà là phổ biến hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đang có ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đều gặp phải tình trạng như vậy. Vấn đề này cũng đang làm “đau đầu” các ngân hàng vì vốn thì sẵn sàng nhưng chưa thể cho vay ra do còn rất nhiều rào cản.
Là người tâm huyết với việc đưa công nghệ cao vào sản xuất, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến Nông - Thanh Hóa cho biết, dù nhu cầu vốn của công ty này khá lớn nhưng việc vay vốn ngân hàng để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp và hộ nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Công ty của ông vẫn phải vay vốn của các ngân hàng thương mại để sản xuất.
Thiếu tài sản thế chấp
Nguyên nhân, được ông Phong chỉ ra là do các tài sản trên đất như nhà lưới, hệ thống tưới tiêu, nhà kính có giá trị đầu tư cao, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, nên ngân hàng xếp tài sản này vào loại công trình tạm, thanh khoản thấp. Hiện mới chỉ có một số doanh nghiệp lớn được vay vốn như VinEco, Tập đoàn TH… Ông Nguyễn Hồng Phong nhấn mạnh: “Còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi việc tiếp cận nguồn vốn từ chương trình không hề dễ dàng do hàng loạt điểm nghẽn, như các tiêu chí và điều kiện cho vay…”
Tổng Giám đốc doanh nghiệp này kiến nghị, Chính phủ ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn cũng tốt để họ lớn hẳn lên kéo những doanh nghiệp nhỏ lên theo nhưng cũng cần quan tâm nhiều hơn đến khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vì khối này vừa đông, vừa giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Vì nông nghiệp phải là toàn dân chứ không chỉ một hoặc hai doanh nghiệp có thể làm được tất cả.
Là một ngân hàng chủ lực, chiếm thị phần lớn nhất trong nông nghiệp, nông thôn, nhận diện rõ nhất những nguy cơ, thách thức ngành nông nghiệp đang đối mặt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh nêu hàng loạt vướng mắc trong chính sách cho vay hỗ trợ, trong đó có gói vay 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Khánh, trước khi có quyết định của Chính phủ, Agribank đã dành 50.000 tỷ đồng để cho vay nông nghiệp sạch nhưng đến tháng Tám mới chỉ giải ngân chưa được 10.000 tỷ đồng do vướng khâu pháp lý về tài sản thế chấp.
Cụ thể tài sản thế chấp hiện nay chủ yếu là đất nông nghiệp, trong khi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao rất lớn, giá trị chính là nhà xưởng để sản xuất lại không được đưa vào tài sản thế chấp.
Ông Khánh đặt giả thiết nếu được mùa, các tài sản thế chấp rất có giá trị nhưng mất mùa không đáng bao nhiêu, kể cả tài sản đầu tư trên đất.
Đồng tình với ông Khánh, lãnh đạo VietinBank cũng cho rằng, tài sản bảo đảm cũng là một trong những thách thức khơi thông dòng vốn. Các tài sản đảm bảo khoản vay của nông dân/hộ sản xuất chủ yếu là ruộng đất, các vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát mại tài sản khi nợ xấu phát sinh cũng khiến ngân hàng gặp nhiều rắc rối. Các món vay trong lĩnh vực nông nghiệp thường là nhỏ lẻ, chi phí hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng sẽ cao hơn. Trong thực tế, nhận tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay hiện nay cũng còn bất cập.
Lãnh đạo VietinBank đưa ra ví dụ, đối với cây lâu năm, một số sở tài nguyên cho phép đăng ký giao dịch đảm bảo đối với cây lâu năm theo hình thức tài sản hình thành trong tương lai nhưng một số sở tài nguyên từ chối hoặc yêu cầu bổ sung đầy đủ chứng từ chứng minh quyền sở hữu. Còn đối với nhà lưới, nhà kính thì chưa có sở tài nguyên nào cho phép nhận tài sản bảo đảm này.
Không hình sự hóa mới dám cho vay
Một vấn đề khác mà hiện nay các ngân hàng cũng đang rất e ngại trong cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng và cho vay các dự án nói chung là được ông Khánh nêu thực tế: “Nhiều cán bộ ngân hàng lo ngại vì hiện bắt bớ nhiều quá nên anh em sợ trách nhiệm và một số cán bộ đã phải xin nghỉ việc. Vì vậy, việc tháo gỡ pháp lý cũng là để giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của cán bộ ngân hàng về sau.”
Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank đưa ra hai đề nghị với cơ quan chức năng: Thứ nhất, các bộ ngành cần nghiên cứu để cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất để hoàn thiện thủ tục công chứng. Thứ hai là đánh giá trách nhiệm của cán bộ ngân hàng với cơ quan tư pháp khi cho vay nông nghiệp cần xem xét khách quan, không hình sự hóa vấn đề này thì ngân hàng mới dám cho vay.việc hình sự hóa các hoạt động ngân hàng như hiện nay, cán bộ ngân hàng luôn “sống trong sợ hãi
Theo ông Khánh, hai điều ấy là để củng cố tinh thần cho cán bộ ngân hàng yên tâm làm việc.
Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, với việc hình sự hóa các hoạt động ngân hàng như hiện nay, cán bộ ngân hàng luôn “sống trong sợ hãi”. Bởi như trên đã phân tích, các dự án nông nghiệp nhiều khi mức độ thành công, lời lãi lại phụ thuộc vào thời tiết, thị trường nên độ rủi ro lớn, khả năng hoàn vốn bấp bênh. Nếu cứ có mất mát vốn là tổ chức tín dụng bị xem xét truy tố, khởi tố, buộc tội thì chẳng ngân hàng nào dám cho vay.
Đại diện Hiệp hội Ngân hàng lý giải, ngân hàng là ngành kinh doanh rủi ro, không có ngân hàng nào hoạt động an toàn 100%. Khi cho vay, các tổ chức tín dụng đã chấp nhận rủi ro, có quỹ dự phòng… nên các cơ quan quản lý cần xem xét việc hình sự hóa các hoạt động ngâng hàng, nếu không vốn thì đầy kho nhưng vẫn tắc đầu ra.
Song song đó, cần có sự nỗ lực của doanh nghiệp và phối hợp của cơ quan quản lý để tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Bởi nếu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, gói 100.000 tỷ đồng không thể chảy mạnh. Nhưng nếu doanh nghiệp có điều kiện xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường ra nước ngoài, nguồn vốn này không phải là lớn vì các ngân hàng sẽ sẵn sàng đồng hành hỗ trợ, đầu tư thực hiện các dự án khi doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ ổn định.
Tại buổi làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng với Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề xuất Chính phủ sửa các thông tư liên quan đến tài sản đầu tư trên đất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp cũng như tìm kiếm thị trường. Tuy nhiên, chúng ta phải có các sản phẩm có quy mô, đặc biệt là sản phẩm chế biến mới giúp tiêu thụ được sản phẩm tốt.”
Dư luận xã hội chắc vẫn còn nhớ những gói hỗ trợ mà Chính phủ đã triển khai và việc nhận định là thành công hay không thành công còn đang là vấn đề đặt ra. Ví như gói hỗ trợ đánh bắt xa bờ sau cơn bão số 5 Chanchu với ngành thuỷ sản hay gần đây nhất là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng với người thu nhập thấp để tạo dựng nhà ở. Ở mỗi góc nhìn khác nhau thì có những đánh giá khác nhau về thành công hay chưa thành công, lãng phí hay thất thoát của những gói hỗ trợ nói trên.
Tuy nhiên, với gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng này, nhiều hộ nông dân vẫn đang hy vọng vào một tương lai tốt đẹp khi mà đích thân Thủ tướng Chính phủ đôn đốc và theo dõi để họ có điều kiện đưa ra thị trường được những sản phẩm sạch nhất, chất lượng nhất đến với người tiêu dùng.