Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128 (NQ128) hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tạo được không khí hưởng ứng tích cực của xã hội trong công tác phòng chống virus corona. Với NQ128, tạm thời các địa phương không được áp dụng quy định của các chỉ thị 15, 16, 19 một cách rầm rộ và miễn cưỡng. Địa phương nào cần thiết áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trên quy mô toàn tỉnh và cao hơn tinh thần của NQ128, phải báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế.
NQ128 thực sự là chuyển biến mới cho cuộc sống bình thường mới. Có 3 tiêu chí để đánh giá cấp độ dịch: số ca nhiễm mới tại cộng đồng, độ bao phủ vaccine và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến bệnh viện. Tóm lại, việc xác định cấp độ dịch sẽ được đánh giá ở phạm vi nhỏ nhất (dưới cấp xã), nhằm tránh tình trạng phong tỏa vội vàng và ngột ngạt. Trên cơ sở phân loại 4 cấp độ nguy cơ tương ứng vùng xanh, vùng vàng, vùng cam và vùng đỏ, để có biện pháp hành chính quản lý hữu hiệu.
NQ128 cho phép công dân đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh được tự do đi lại, và việc lưu thông vận chuyển nội tỉnh, liên tỉnh được thực hiện ở cả 4 cấp độ. Như vậy, tất cả loại giấy đi đường và các chốt chặn theo quy định riêng của địa phương trên những tuyến quốc lộ đều bị dẹp bỏ.
Để nhanh chóng đưa cả nước quay lại bình thường mới, góp phần ổn định dân sinh và phục hồi sản xuất, Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định việc lưu thông và giao thông vận tải phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt. Thực hiện tinh thần chỉ đạo ấy, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho thí điểm hoạt động vận tải hành khách đường bộ từ ngày 13-10. Thế nhưng, điều người tham gia giao thông lẫn các dịch vụ xe khách cảm thấy ái ngại nhất, là những rào cản do các địa phương thiết lập trên từng tuyến quốc lộ.
Sau khi một số đường bay thương mại rục rịch mở lại, người dân đang trông chờ vào hoạt động vận tải hành khách đường bộ để đáp ứng nhu cầu di chuyển cho công việc, học hành, buôn bán. Muốn đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải dựa vào khoa học, không thể dựa vào cảm nhận chủ quan của vài cá nhân lãnh đạo. Vì không có kiến thức, vì lo lắng quá độ và vì sợ chịu trách nhiệm, quan chức địa phương chọn cách an toàn nhất là “rào kín” và “đóng chặt” mọi tuyến đường, kể cả quốc lộ ngang qua địa bàn. Thái độ quản lý nơm nớp kiểu quyết liệt kia, chính là dấu hiệu phải nhắc nhở “không cát cứ” và “không chia cắt”.
Hiện nay, công tác phòng chống Covid-19 đã chuyển sang giai đoạn khác, tích cực hơn và hiệu quả hơn. Tùy thuộc tình hình đã chia thành những vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ thấp và bình thường mới. Người dân di chuyển từ vùng này qua vùng nọ, cần tuân thủ quy định chung của ngành y tế, không thể bị phiền hà vì quy định riêng của mỗi địa phương. Bộ Giao thông-Vận tải khi thí điểm hoạt động xe khách cũng cẩn trọng lưu ý trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm vaccine đi cùng người thân trên chuyến xe phải tuân thủ 5K. Thế nhưng, làm sao ứng phó các chốt chặn trên quốc lộ vẫn giương cao khẩu hiệu “phòng cháy hơn chữa cháy” mà áp dụng quy định riêng?
Ngoài Quốc lộ 1A nhiều tuyến quốc lộ đang bị các tỉnh chi phối rất nghiêm ngặt. Chẳng hạn di chuyển trên Quốc lộ 14 phải phục tùng tiêu chí riêng của Đắk Nông và tiêu chí riêng của Bình Phước. Còn di chuyển trên Quốc lộ 51 phải phục tùng tiêu chí riêng của Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là thực trạng nhức nhối. Những chuyến xe trên quốc lộ chỉ quá cảnh địa bàn, không dừng đỗ, không thăm viếng, không thả người, tại sao mỗi địa phương lại bắt buộc cầm chân lữ khách hoặc bắt buộc quay đầu ngược lại? Nếu người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn không được lưu thông trên quốc lộ, kết quả chống dịch gần như bị phủ nhận về mặt thực tiễn.
Quy định địa phương cản trở lưu thông quốc lộ, khiến xã hội đặt ra câu hỏi: Ai có quyền đóng cửa quốc lộ? Theo Luật Quốc phòng, trong tình trạng thiết quân luật mới khống chế đi lại trên quốc lộ, còn giãn cách theo cấp độ cao nhất lãnh đạo địa phương cũng không có quyền kiểm soát quốc lộ.
Với NQ128 không còn câu chuyện trớ trêu một thôn có ca nhiễm phong tỏa cả xã, một xã có ca nhiễm phong tỏa cả huyện, một huyện có ca nhiễm phong tỏa cả tỉnh. Đồng thời, những biểu hiện ngang ngược cát cứ và chia cắt ở các địa phương cũng không còn gây khó khăn cho cuộc sống người dân. Chắc chắn NQ128 sẽ góp phần quan trọng khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường để tái thiết nền kinh tế sau giai đoạn dài giãn cách diện rộng.
Tuy nhiên, vướng mắc duy nhất còn phải giải quyết là hoạt động xét nghiệm. Giá kit test nhanh Covid-19 đang nhảy múa ở mức cao, khiến chi phí xét nghiệm trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và người lao động. Trong phiên họp gần đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần làm rõ giá xét nghiệm gây bức xúc cho cử tri cả nước.
Ai đang quản lý giá kit test nhanh Covid-19, và ai đang tranh thủ hưởng lợi từ giá xét nghiệm? Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra những khuất tất đang chi phối giá kit test nhanh, nhấn mạnh yêu cầu mua sắm và sử dụng trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực.
Giá kit test nhanh cũng cần được giám sát và bình ổn như giá khẩu trang mới mong phát huy đầy đủ giá trị của NQ128. Bởi lẽ, khi phí xét nghiệm ngất ngưởng được cộng dồn vào các chi phí vận hành, giao dịch, đi lại thì sẽ tác động leo thang giá cả tất cả mặt hàng, khiến người dân khó bắt nhịp cuộc sống bình thường mới.