Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã được điều chỉnh 17 lần và so với cuối năm 2014, giá bán lẻ xăng RON 92 tăng 70 đồng/lít.
Tại cuộc họp báo chiều 2/10 của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong 9 tháng năm 2015, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành 17 văn bản điều hành giá xăng dầu (trong đó, giá xăng có 5 lần tăng, 7 lần giảm, 5 lần giữ ổn định).
So với thời điểm cuối năm 2014, tính đến thời điểm tháng 9/2015, giá bán lẻ xăng RON 92 tăng 70 đồng/lít, dầu diezel giảm 3.110 đồng/lít, dầu hỏa giảm 4.610 đồng/lít và dầu mazut giảm 3.490 đồng/lít.
Theo chỉ số giá nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu quý III/2015 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) công bố hôm 24/9, giá nhập khẩu xăng dầu các loại, dầu thô đều giảm mạnh tới 11,72%. Bình quân 9 tháng đầu năm nay, chỉ số giá nhập khẩu nhóm hàng nhiên liệu (chủ yếu là xăng dầu, dầu thô và khí đốt hóa lỏng) có mức giảm kỷ lục là 38,68%. Từ thông tin này, có dư luận bức xúc về việc giá xăng dầu trong nước giảm nhỏ giọt, thậm chí còn tăng.
Về điểm này, ông Nguyễn Anh Tuấn lý giải: Giá xăng dầu nhập khẩu do Tổng cục Thống kê đưa ra là tính tổng trị giá nhập khẩu chung dựa trên tổng lượng xăng dầu nhập về của cả quý và của tổng 9 tháng. Trong khi đó, khi tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu trong nước là dựa trên đơn giá giá xăng dầu thành phẩm nhập về từng ngày từ Singapore theo chu kỳ 15 ngày. Do đó, khi giá xăng dầu thành phẩm nhập về bình quân 15 ngày tăng thì giá cơ sở xăng dầu bán lẻ trong nước cũng sẽ tăng và ngược lại.
Nếu tính chung 9 tháng qua, theo ông Tuấn, giá dầu các loại bán trong nước đều giảm mấy nghìn đồng/lít so với cuối năm 2014, riêng giá xăng có tổng giá tăng lớn hơn tổng giảm 70 đồng/lít. Như vậy, nếu tính bình quân cộng chung cả xăng và dầu vào thì chỉ số giá xăng dầu nói chung 9 tháng giảm mạnh. Theo công bố chỉ số chung của Tổng cục Thống kê giảm như trên là phù hợp, không hề trái ngược.
Ông Tuấn cũng cho biết: Từ đầu năm 2015 đến nay, trước diễn biến giá xăng, dầu giảm liên tục và việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh biên độ tỷ giá có thể có những tác động nhất định đến thị trường, Bộ Tài chính đã có 2 công văn gửi Bộ Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân, Sở Tài chính, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó có giá cước vận tải.
Theo ông Tuấn, hiện hầu hết các địa phương đã đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai giá phù hợp với biến động của chi phí đầu vào; một số các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại nhiều tỉnh/thành phố đã kê khai giảm cước.
“Bộ Giao thông – Vận tải đang thành lập các đoàn đi kiểm tra. Qua theo dõi chúng tôi được biết các đoàn sẽ kết thúc việc kiểm tra trước ngày 20/10, tới thời điểm đó sẽ có kết quả cụ thể hơn. Mặt khác, đại đa số các tỉnh cũng đã có yêu cầu doanh nghiệp kê khai lại giá để thực hiện rà soát yếu tố đầu vào cho phù hợp với mặt bằng giá theo quy định”, ông Tuấn cho biết thêm.